Một nhóm nhà đầu tư bất động sản ở Thái Nguyên gồm chị Trần Thị T. Lã Thị H. và ông Vũ Đình C. cho biết họ quen biết Trần Đặng Thanh Tùng (SN 1984, ở huyện Gia Lâm, Hà Nội) – nhân viên môi giới bất động sản. Họ được Tùng rủ góp vốn theo hình thức “lấp căn”.
DỤ DỖ GÓP VỐN DƯỚI HÌNH THỨC “LẤP CĂN”
Theo lời giới thiệu của Tùng, hình thức lấp căn là những người có nhu cầu mua căn hộ ngoại giao nhưng chưa đủ tiền đặt cọc nên cần huy động dòng tiền để đặt cọc trước. Trong thời hạn 10-12 ngày ký hợp đồng, người mua sẽ phải thanh toán lại phần tiền đã đặt cọc hộ trước đó, kèm theo lợi nhuận 20%/ số tiền góp vốn hoặc mức lợi nhuận 100-200 triệu đồng/1 tỷ đồng.
Khi đó, Tùng nói có quan hệ ngoại giao với các chủ đầu tư nên có các căn hộ ngoại giao vị trí đẹp, giá rẻ dành cho các cá nhân thuộc tập đoàn.
Tin tưởng vào những lời Tùng nói, từ ngày 13/5/2022 đến ngày 20/6/2022, nhóm này chuyển cho Tùng hơn 25,4 tỷ đồng để đầu tư 13 mã căn hộ. Các nội dung chuyển khoản thường ghi là “lấp căn sếp Hùng”, “lấp căn sếp Chính”…
Quá trình giao dịch, Tùng đã chuyển lại hơn 17,1 tỷ đồng gọi là trả tiền gốc và lãi để tạo niềm tin.
Một thời gian sau, thấy Tùng không trả tiền như hứa hẹn, nhóm này yêu cầu Tùng cho gặp khách hàng đặt mua căn hộ, cho xem giấy tờ thể hiện việc đầu tư. Song Tùng đều viện lý do khác nhau để khất hẹn.
Sau đó, họ yêu cầu Tùng phải ký công chứng vay tiền. Song đến ngày hẹn Tùng không trả tiền, nạn nhân đến công ty tìm hiểu thì mới biết Tùng mới đặt cọc 300 triệu đồng mua căn hộ. Ngày ký hợp đồng không đúng như Tùng nói. Do thấy Tùng không giải trình được số tiền còn lại, các nhà đầu tư đòi tiền nhiều lần không được nên đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an.
Một nhà đầu tư khác cũng bị Tùng chiếm đoạt tiền tỷ là anh Ngô Mạnh Đ. (ở quận Long Biên, Hà Nội). Khi đó, Tùng giới thiệu bản thân là môi giới bất động sản. Tùng mời anh Đ. mua, nộp tiền đặt cọc “thiện chí” và giải thích công ty có được cấp quỹ căn hộ tại dự án trên nhưng không nắm được cụ thể về quỹ, mã và thông tin căn hộ được giao để chào bán.
Tuy nhiên, để anh Đ. tin tưởng, Tùng cho anh này xem sơ đồ tổng thể dự án và dặn anh này chọn căn hộ mong muốn. Trường hợp không ưng ý, anh Đ. sẽ được hủy hợp đồng và hoàn lại tiền đặt cọc cùng một phần tiền bồi thường chênh lệch.
Anh Đ. đã ký 2 hợp đồng đặt cọc mua căn hộ và chuyển 200 triệu đồng. Sau đó Tùng thông báo dự án không mở bán 2 căn hộ trên nên anh Đ. được đền 260 triệu đồng. Tùng tiếp tục mời anh này đầu tư qua hình thức “lấp căn”, chiếm đoạt của anh này hơn 1,1 tỷ đồng.
Với thủ đoạn trên, cơ quan tố tụng xác định nhiều bị hại đã chuyển tiền cho Tùng số tiền 38,9 tỷ đồng. Để tạo niềm tin, Tùng chuyển trả lại họ hơn 23,5 tỷ đồng tiền gốc và lợi nhuận, còn chiếm đoạt hơn 15,3 tỷ đồng. Ngày 12/12, TAND TP Hà Nội đã xử phạt Tùng mức án 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
CẦN XÁC MINH THÔNG TIN PHÁP LÝ RÕ RÀNG
Thời gian qua, các cơ quan công an triệt phá một số vụ việc lừa đảo bán căn hộ “ma”. Gần đây, ngày 18/11/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thanh Xuân đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và ngày 26/11/2024 ra quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Hồng Thắm (SN 1997, trú tại đội 13, khu phố Nhân Dục, phường Hiến Nam, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên).
Quá trình điều tra xác định, bị can Phạm Hồng Thắm là môi giới bất động sản tự do đã lợi dụng nghề nghiệp của mình đưa ra thông tin gian dối là có thể mua được căn hộ chung cư, các thửa đất với giá rẻ để nhận tiền của nhiều bị hại sau đó chiếm đoạt, tiêu xài cá nhân.
Qua các vụ việc trên, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần thận trọng trong giao dịch bất động sản đặc biệt là thông tin liên quan đến suất ngoại giao, thông tin nội bộ chủ đầu tư. Người dân cần xác minh tình trạng pháp lý của dự án để tránh rơi vào tình trạng “tiền mất tật mang”.
Đơn cử trong vụ án nêu trên, tập đoàn bất động sản dự án bị mạo danh lên tiếng cho biết Tùng không phải là nhân viên của tập đoàn, không phải môi giới hay cộng tác viên bán dự án. Tập đoàn cũng không có cơ chế giao lại một số căn hộ thuộc dự án trên cho lãnh đạo tập đoàn.