Tại buổi giao lưu Cà phê nhà thầu xây dựng diễn ra ngày 30/11, lãnh đạo Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cùng các doanh nghiệp thành viên đã cùng nhau trao đổi một số vấn đề: giải pháp nâng cao năng lực; cùng liên kết, hợp tác và các cơ chế, chính sách… để chuẩn bị tham gia triển khai các dự án lớn của quốc gia, trong đó có dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
Nói về thực trạng của các nhà thầu xây dựng trong nước, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc, Chủ tịch Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Bộ Quốc Phòng, nhận định hiện nay lực lượng các nhà thầu đông nhưng vẫn còn manh mún, nội lực yếu. Do đó, khi tham gia thực hiện các dự án lớn “trên sân nhà”, rất khó cạnh tranh với các nhà thầu Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Bên cạnh đó, một số định mức, đơn giá xây dựng do Nhà nước quy định còn quá thấp so với chi phí thực tế mà nhà thầu phải trả, cũng làm suy yếu sức khoẻ của các nhà thầu. Rồi áp lực về nguồn tiền, về công ăn việc làm… nên tình trạng cạnh tranh phá giá trong đấu thầu rất phổ biến và quyết liệt cũng đang triệt hạ dần các nhà thầu trong nước.
LO VỀ NĂNG LỰC NHÀ THẦU NỘI
“Sắp tới, Chính phủ sẽ khởi công đường sắt Lào Cai – Hà Nội, tiếp đến là đường sắt cao tốc Bắc -Nam. Chúng tôi rất mong tình trạng trên sẽ được xử lý, các nhà thầu Việt cùng hợp tác thực hiện các dự án này để cùng nhau lớn mạnh và cùng đóng góp cho sự phát triển của đất nước”, ông Ngọc bày tỏ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn, dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam có quy mô rất lớn, yêu cầu về công nghệ kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên được triển khai thực hiện ở Việt Nam, nếu đem ra đấu thầu thì các nhà thầu trong nước rất khó tham gia vì chưa có doanh nghiệp nào đáp ứng được tiêu chí “từng thực hiện 1-2 công trình ở mức độ quy mô tương đương” (theo quy định của Luật Đấu thầu). Đồng thời, để làm công trình cấp đặc biệt, đòi hỏi chất lượng xây dựng, độ chính xác tuyệt đối như dự án này, thì với định mức đơn giá hiện hành, nhà thầu Việt cũng khó triển khai được.
Toàn cảnh buổi giao lưu Cà phê nhà thầu xây dựng quý 4/2024
“Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam thuộc top 10 thế giới về chiều dài. Tốc độ thiết kế 350km/giờ, tốc độ khai thác 320km/giờ, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, có nhiều quy định rất chặt chẽ, yêu cầu độ chính xác tuyệt đối. Trong khi đó, năng lực, kinh nghiệm, tài chính, công nghệ… của nhà thầu trong nước còn hạn chế so với nhà thầu nước ngoài, nên sẽ khó cho cả nhà thầu thiết kế và nhà thầu thi công của Việt Nam”, ông Đào Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải nhận định.
CÓ CƠ CHẾ, DOANH NGHIỆP VIỆT SẼ LÀM ĐƯỢC
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, nếu được tạo cơ chế, các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể làm được, và dự án này sẽ là một cuộc “cách mạng làm thay da đổi thịt” đối với các nhà thầu xây dựng. Bởi, trước đây, cầu dây văng phải thuê nước ngoài từ thiết kế đến thi công, nhưng nay trong nước đã làm được. Chúng ta cũng đang thực hiện dự án đường cao tốc Bắc – Nam, nhà thầu trong nước cũng đã xây dựng toà nhà cao 81 tầng chưa từng có trước đó… Độ chính xác của dự án đường sắt cao tốc đòi hỏi mức độ cao hơn về nhiều mặt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể đảm đương tốt”, ông Hiệp nhìn nhận.
Chiều 30/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Theo đó, dự án này có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541km, tốc độ thiết kế 350km/giờ và tổng mức đầu tư hơn 1,713 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 67 tỷ USD). Dự kiến dự án sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2035.
Nói về quy chế cho các nhà thầu Việt tham gia, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng giám đốc Vinaconex, đề nghị cần có cơ chế quy đổi tiêu chí đã thực hiện các công trình giao thông như thế nào để có thể được làm công trình đường sắt cao tốc. “Giai đoạn đầu cần thực hiện theo hình thức chỉ định thầu để các nhà thầu trong nước dần nâng cao năng lực. Điều này đòi hỏi phải có sự thay đổi về tư duy, chứ nếu cứ theo cách nghĩ, cách làm cũ thì còn “vướng” rất nhiều”, ông Hải nói.
Các doanh nghiệp khác cũng nhìn nhận dự án này cần để nhà thầu trong nước làm, còn thuê chuyên gia nước ngoài sẽ đảm bảo hơn. “Chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc khi thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng, họ chỉ định thầu trên cơ sở đáp ứng được đúng cơ chế đảm bảo, cần thì thuê chuyên gia. Về tín dụng, họ có ngân hàng xây dựng, có chính sách cho vay vốn ưu đãi để xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia. Nhưng để làm được điều này, cần có sự nỗ lực lớn từ Nhà nước đến các doanh nghiệp xây lắp. Nhà nước cũng cần thay đổi đơn giá xây dựng, phải nâng lên ít nhất là gấp đôi, bởi theo quy định hiện nay thì không đủ để doanh nghiệp tái đầu tư. Đồng thời phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật liên quan, nhằm chống phá giá trong đấu thầu xây dựng”, Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Công ty cổ phần Fecon, đề xuất.
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Khôi, Tổng Giám đốc nhà thầu xây dựng Phương Thành, chia sẻ rằng với cao tốc Bắc – Nam, Thủ tướng đã chỉ đạo mạnh dạn chỉ định thầu cho các nhà thầu trong nước… Nhờ việc huy động nhà thầu trong nước, vay vốn nước ngoài, không bị hạn chế bởi những quy chế quốc tế…, đã phát huy được năng lực nhà thầu Việt, đáp ứng được tất cả yêu cầu, gần như không có sai sót, đảm bảo cả về con người, chất lượng thi công… Nhưng khi làm cao tốc đường sắt thì sẽ khó hơn, phải chuẩn xác từ minimet. Doanh nghiệp chưa đủ lực, chưa đủ tầm, chưa có cơ chế đãi ngộ phù hợp để thu hút nhân lực cao thì chưa đáp ứng được. Do đó, rất cần hỗ trợ từ phía Nhà nước.
“Đơn cửa như về nhân lực, hàng chục năm nay, với công nhân kỹ thuật, cả ngành xây dựng và giao thông, các trường đại học, cao đẳng nghề gần như không thu hút được người học. Doanh nghiệp phải đi tuyển lao động, chủ là yếu từ trên miền núi về, rồi đào tạo, đưa vào thực hành, nên rất khó có được nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, đầu tư vào công tác đào tạo nghề, giáo dục tư tưởng là rất quan trọng. Nếu không có lực lượng sản xuất tốt thì có tiền, có công nghệ cũng không thể triển khai được. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế phát huy được sức mạnh của các tập đoàn, các tổng công ty xây dựng đang đóng góp cho đất nước, loại bỏ những đơn vị làm ăn chộp giật, cạnh tranh bằng mọi giá, phá văn hoá, phá nghề…”, ông Khôi kiến nghị.
“Quan điểm của Đảng, Chính phủ là ưu tiên tối đa cho doanh nghiệp trong nước trên tất cả các lĩnh vực, từ tư vấn, thi công xây lắp, đến sản xuất vật liệu; công nghiệp đường sắt… Vì vậy, nghiên cứu của Bộ Giao thông – Vận tải đã đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù rất cụ thể, có ưu đãi để các cơ sở đào tạo trong nước liên kết với nước ngoài, từ giáo trình, giáo viên, giảng viên để đào tạo trong nước từ sớm, hoặc đưa ra nước ngoài đào tạo những chuyên ngành riêng cho đường sắt tốc độ cao”.
Trích phát biểu của ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông – Vận tải) tại Tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao – Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt” do Báo Giao thông tổ chức mới đây.