Thứ bảy, Tháng mười một 16News That Matters

Hải Phòng: Người dân phản ánh việc mua nhà ở

Sau khi làm việc với UBND các quận và một số người dân, Sở Xây dựng TP.Hải Phòng cho biết những khoản chênh lệch này không phải là phí môi giới mà là chi phí cho các dịch vụ: Hợp đồng dịch vụ tư vấn tại các sàn giao dịch bất động sản từ 50 đến 120 triệu/căn hộ, có thể còn cao hơn; Hợp đồng thi công nội thất khoảng 50 triệu đồng/căn hộ; Hợp đồng lắp ống đồng điều hòa khoảng từ 7 đến 15 triệu/căn hộ.

Trong đó, đối với thỏa thuận tư vấn dịch vụ, việc thỏa thuận tư vấn dịch vụ giữa đơn vị tư vấn và người mua là thỏa thuận dân sự, cơ quan nhà nước không can thiệp đối với nội dung này. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra hợp đồng tư vấn, Sở Xây dựng đánh giá, với chi phí lên đến trên 100 triệu đồng/hợp đồng, các nội dung tư vấn rất đơn giản đã có đầy đủ trong văn bản pháp luật cũng như hướng dẫn của Sở Xây dựng. Do vậy sơ bộ đánh giá, có khả năng giá dịch vụ tư vấn là cao, không tương ứng với khối lượng dịch vụ tư vấn.

Đối với thỏa thuận thi công nội thất, giá trị khoảng 50 triệu đồng gồm hạng mục: tủ bếp 2 tầng, thiết bị bếp, đá bếp, đèn led âm trần, trần thạch cao căn hộ khoảng gần 70m2; trong hợp đồng mua bán nhà ở chưa bao gồm những hạng mục đó. Do vậy sơ bộ đánh giá, giá trị nêu trên phù hợp với giá cả chung của thị trường.

Đối với thỏa thuận thi công đường dây điều hòa, giá trị khoảng từ 7 đến 15 triệu đồng; trong hợp đồng mua bán nhà ở chưa bao gồm hạng mục này. Qua tìm hiểu một số trường hợp có đơn đề nghị chủ đầu tư thi công đường ống điều hòa trong quá trình thi công tường, trần để tránh phát sinh chi phí. Thế nên sơ bộ đánh giá việc người mua đăng ký và chủ động ký hợp đồng sửa chữa bổ sung thiết bị trước khi hoàn thiện để tránh phải đập phá, thi công lại là việc diễn ra thông thường tại hầu hết các dự án chung cư trên toàn quốc

Tuy nhiên, Sở Xây dựng TP. Hải Phòng cũng có văn bản gửi chủ đầu tư kiểm tra, chấn chỉnh lại tình trạng giao dịch tại dự án; thành lập tổ công tác phối hợp với UBND quận kiểm tra việc công bố giá, giao dịch, kinh doanh tại những dự án đã có giá nhà ở xã hội.

Đồng thời, gửi văn bản đến UBND các quận, huyện yêu cầu tăng cường theo dõi, giám sát hiệu quả tình hình thị trường mua, bán nhà ở xã hội tại địa phương để kịp thời có biện pháp phù hợp nhằm ngăn chặn tình trạng tung tin đồn, đầu cơ thổi giá bất động sản lên cao; phối hợp với cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn bằng nhiều hình thức giúp người dân nắm được thủ tục pháp lý về mua bán nhà ở xã hội hình thành trong tương lai, giá bán nhà ở xã hội, đối tượng đã đăng ký mua nhà ở xã hội được công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Sở Xây dựng; ban hành Sổ tay hướng dẫn về nhà ở xã hội để người dân dễ dàng tiếp cận, nắm bắt các thông tin liên quan.

Trong thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát năng lực của các tổ chức tư vấn, môi giới bất động sản theo quy định pháp luật cũng như kiểm tra chi tiết hoạt động tư vấn môi giới đang thực hiện.

Đối với chủ đầu tư, yêu cầu công khai, minh bạch đầy đủ thông tin liên quan đến dự án; thực hiện giao dịch theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định; chủ động ngăn chặn các thông tin sai lệch làm ảnh hưởng đến dự án; thực hiện chế độ báo cáo tình hình triển khai thực hiện dự án và tình hình giao dịch tại dự án theo quy định.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đề nghị người dân mua nhà nghiên cứu, tìm hiểu thông tin dự án và liên hệ để được giới thiệu, hướng dẫn qua những kênh chính thức; không tìm hiểu, liên hệ với các kênh thông tin không rõ nguồn gốc, nhằm hạn chế tình trạng “lôi kéo“, “cò mồi“, “đẩy giá“…

Khi đã đủ điều kiện và được chủ đầu tư thông báo việc ký Hợp đồng mua bán, cần nghiên cứu, kiểm tra nội dung trước khi ký. Nếu thấy nội dung bất thường, hoặc chi phi phát sinh, phải trao đổi trực tiếp với chủ đầu tư để được giải thích hướng dẫn. Nếu chưa đồng thuận, có thể dừng việc ký hợp đồng và phản ánh kịp thời những nội dung không đúng quy định pháp luật đến cơ quan quản lý để được hướng dẫn, xem xét giải quyết.

Source