Thứ ba, Tháng mười hai 24News That Matters

TP.HCM phải giải ngân 32.000 tỷ đồng trong hai tháng

Thông tin trên được đưa ra trong cuộc họp thường kỳ về tình hình kinh tế xã hội TP.HCM 10 tháng đầu năm 2024 vừa qua.

Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM sau 10 tháng năm 2024 là 29% trong tổng số 79.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được giao. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, tỷ lệ đạt 21,8% là thấp hơn nhiều so với mục tiêu đã đề ra. Trong số 63.000 tỷ đồng còn lại, có 32.000 tỷ đồng dùng cho nhóm các dự án cần giải phóng mặt bằng.

Các nhóm dự án khác cũng đang bị chậm giải ngân gồm nhóm ngập và triều (Thành phố đang kiến nghị Trung ương) với tổng giá trị 10.000 tỷ đồng; nhóm điều chỉnh quy hoạch 4.000 tỷ đồng; nhóm bồi thường giải phóng mặt bằng là 30.000 tỷ đồng gồm rạch Xuyên Tâm, bờ bắc kênh Đôi. Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố cũng cho biết đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố chia tách các nhóm dự án để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Đầu năm 2024, TP.HCM đã lên kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Theo đó, Thành phố sẽ giải ngân hơn 10% trong quý 1, tương đương gần 8.000 tỷ đồng; quý 2 đạt từ 30% trở lên và quý 3 đạt trên 70% nhằm bảo đảm đạt trên 95% kế hoạch vào quý 4. Song theo nhận định của ông Phạm Trung Kiên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, các sở ngành đã đồng loạt triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân, trong đó ưu tiên hàng đầu là đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, siết chặt kỷ cương, kỷ luật đồng thời xử lý kiên quyết đối với các cá nhân, tổ chức gây cản trở. Mặc dù vậy, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố cũng cho rằng Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ tháng 8/2024 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án cần giải phóng mặt bằng.

Theo ông Võ Trung Trực, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, năm 2024, toàn Thành phố có 176 dự án thuộc nhóm có vướng mắc về thủ tục thuộc thẩm quyền các bộ, ngành Trung ương, thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng, thủ tục điều chỉnh quy hoạch… Khi Luật Đất đai mới có hiệu lực, một số dự án đã tăng tổng mức vốn đầu tư do đi kèm các quy định, chính sách hỗ trợ thêm hộ dân bị ảnh hưởng; tổng vốn cho các dự án này tăng lên hơn 32.000 tỷ đồng. Và khi Luật Đất đai mới đã được áp dụng, Thành phố sẽ tập trung giải ngân hơn 32.000 tỷ đồng đối với nhóm dự án này trong 2 tháng cuối năm, gồm 7.700 tỷ đồng cho các công trình trọng điểm vào tháng 11, và 25.000 tỷ đồng cho 48 dự án khác. Như vậy, đến cuối kỳ giải ngân, các dự án nhóm này sẽ đạt hơn 96% theo kế hoạch.

Báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM cho biết thêm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố 10 tháng đầu năm 2024 đạt xấp xỉ 22%, chẳng những thấp mà còn giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, vốn đầu tư xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trong tháng 10/2024 ước đạt hơn 4.700 tỷ đồng và giảm 14,4% so cùng kỳ.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM thừa nhận đầu tư công còn chậm và thấp so với kế hoạch, mặc dù Thành phố đã bàn thảo cũng như đôn đốc rất nhiều lần, lãnh đạo Thành phố cũng đã trực tiếp xuống từng dự án để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị. Ông cũng cho biết đã chỉ đạo xử lý, tháo gỡ đối với từng dự án cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn. Trong đó, tập trung rà soát, cập nhật điều chỉnh kế hoạch giải ngân chi tiết từng tuần, tháng có kèm chi tiết danh mục từng dự án và số vốn giải ngân từng tuần; nghiêm khắc nhắc nhở các đơn vị chưa phấn đấu giải ngân vốn để đạt mục tiêu chung của Thành phố.

Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng đã ban hành kế hoạch thi đua cao điểm 60 ngày đêm “Quyết tâm tăng tốc, năng suất gấp đôi” phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2024.

Source