Cụ thể, UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định 5665/QĐ-UBND giao 11.859,3m2 đất tại xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên cho UBND huyện Phú Xuyên để thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất ở tại xã Phú Túc.
Trong đó, UBND huyện Phú Xuyên quản lý, tổ chức đấu giá 6.488m2 đất ở; còn lại 5.371,3m2 là đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật sẽ xây dựng đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực theo quy hoạch được duyệt.
Ngoài ra, Hà Nội còn ban hành Quyết định 4731/QĐ-UBND giao 65.795m2 đất tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín cho UBND huyện Thường Tín thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín.
Theo quyết định trên, trong tổng diện tích 65.795m2 đất có 19.177m2 đất để lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất ở. Hình thức giao đất đối với UBND huyện Thường Tín là giao đất không thu tiền sử dụng đất; đối với hộ gia đình, cá nhân trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. Còn 5.232m2 đất để xây dựng nhà ở xã hội sẽ thực hiện theo dự án riêng và 41.386m2 đất cây xanh, bãi đỗ xe, công cộng, giao thông khu vực… được giao đất với hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Tương tự, Hà Nội cũng ban hành Quyết định 4708/QĐ-UBND giao 15.068m2 đất tại xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa cho UBND huyện Ứng Hòa để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật để đấu giá quyền sử dụng đất; Quyết định số 4551/QĐ-UBND giao 19.815,8m2 đất đã giải phóng mặt bằng tại xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức cho UBND huyện Mỹ Đức để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất ở.
Được biết, thời gian qua người dân và nhà đầu tư dành nhiều sự quan tâm đặc biệt vào dòng sản phẩm đất đấu giá, bởi đây là sản phẩm có pháp lý rõ ràng, mặt bằng sạch lại được đầu tư hạ tầng cơ bản. Cùng với đó, việc thị trường thiếu nguồn cung mới và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 hạn chế hoạt động phân lô, bán nền càng tạo ra sức hút cho dòng sản phẩm này.
Tuy nhiên nhằm ngăn chặn tình trạng nhiễu loạn thị trường bất động sản, mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đưa ra nhiều biện pháp bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong các phiên đấu giá đất. Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tích cực phối hợp với các quận, huyện rà soát, điều chỉnh bảng giá đất phù hợp giá thị trường. Mặt khác, tiến hành giám sát chặt chẽ hơn những phiên đấu giá đất để kịp thời ngăn chặn tình trạng thổi giá, thông đồng đấu giá, bỏ cọc.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật Thuế bất động sản, đối tượng bị đánh thuế là người sở hữu nhiều nhà đất và để đất đai bỏ hoang không đưa vào khai thác, sử dụng, gây lãng phí tài nguyên.
Thực tế, hiện nay trên thị trường, phần lớn sản phẩm bất động sản đều được nhà đầu tư mua đi bán lại cho nhau, mà hầu hết nhà đầu tư đều sử dụng đòn bẩy tài chính. Vì vậy, việc sử dụng công cụ thuế bất động sản một cách phù hợp có thể hạn chế hoặc làm cho nhà đầu tư không còn động lực để đầu cơ nhà đất, khi phải chịu thuế thì chi phí về lãi vay và chi phí phát sinh khác tăng cao, hoạt động đầu cơ bất động sản sẽ rủi ro hơn. Từ đó, nguồn tiền sẽ được chuyển sang những kênh sản xuất, kinh doanh, giúp gia tăng giá trị cho xã hội.