Chủ Nhật, Tháng mười hai 22News That Matters

TP.HCM định hướng trở thành trung tâm kinh tế châu

Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa có tờ trình gửi Bộ Xây dựng về Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nội dung tờ trình xác định phạm vi ranh giới lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính TP.HCM với tổng diện tích khoảng 2.123 km2; bao gồm toàn bộ diện tích thuộc ranh hành chính hiện hữu hơn 2.095 km2 và vùng biển Cần Giờ liên quan.

ĐỊNH HƯỚNG TRỞ THÀNH ĐÔ THỊ TOÀN CẦU

Theo Đồ án quy hoạch, định hướng phát triển không gian tổng thể Thành phố theo hướng hợp lưu sức mạnh sức mạnh thiên nhiên, phát triển bền vững và thích ứng. Đô thị lấy cảnh quan sinh thái làm trung tâm, phát huy sức mạnh thiên nhiên làm nền tảng cho sự phát triển.

Đồng thời, hợp lưu tài năng và nguồn lực. Cùng với kiến tạo đại đô thị sầm uất và độc đáo, điểm đến và môi trường sống hấp dẫn, TP.HCM cung cấp không gian sống và làm việc cho lao động trình độ cao và doanh nhân; tổ chức nhiều trung tâm sản xuất – kinh doanh hiện đại, gắn kết với hệ thống giao thông vùng và cửa ngõ quốc tế.

Thông qua việc hợp lưu sức mạnh kinh tế toàn vùng, TP.HCM hướng đến trở thành trung tâm giao thương quốc tế và kinh tế sáng tạo, linh hoạt đón nhận mọi cơ hội. Cùng với đó, bố trí và kết nối trực tiếp các khu sản xuất – kinh doanh của TP.HCM đến các vị trí logistics quốc tế chiến lược; kết nối chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời tái cơ cấu quỹ đất công nghiệp trong nội đô để đón nhận mọi cơ hội chuyển đổi nền kinh tế lên giá trị cao hơn…

Theo đó, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng TP.HCM trở thành Thành phố dịch vụ – công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học – công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.

Đến năm 2045, xây dựng TP.HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.

Đến năm 2050, TP.HCM sẽ trở thành Thành phố biển, đô thị toàn cầu, bền vững, kinh tế, văn hoá đặc sắc, chất lượng sống cao, hạt nhân vùng TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ và cực tăng trưởng của cả nước.

Bên cạnh đó, quy hoạch đặt chỉ tiêu đến năm 2030, tăng trưởng kinh tế đạt 8,5 – 9%; GRDP đầu người đạt 14.800 – 15.400 USD/người; tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% GRDP. Trong thời kỳ quy hoạch, hệ thống đô thị của TP.HCM bao gồm khu vực đô thị trung tâm (các quận nội thành) đạt tiêu chuẩn của đô thị đặc biệt; 6 đô thị trực thuộc gồm thành phố  Thủ Đức là đô thị loại I.

Quy hoạch cũng xác định 5 đô thị vệ tinh (là 5 huyện ngoại thành) gồm: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, đạt tiêu chuẩn đô thị loại III, làm cơ sở để nâng cấp lên thành phố. Sau thời kỳ quy hoạch, hệ thống đô thị của TP.HCM bao gồm khu vực đô thị trung tâm (các quận nội thành) đạt tiêu chuẩn của đô thị đặc biệt và 4 đô thị trực thuộc gồm thành phố Thủ Đức là đô thị loại I và 3 đô thị vệ tinh đạt tiêu chuẩn đô thị loại II hoặc III.

Đồng thời, quy hoạch TP.HCM cũng dự kiến thực hiện khoảng 199 dự án, trong đó có khoảng 72 dự án trọng điểm đặc biệt ưu tiên đầu tư với tổng số vốn khoảng 360 tỷ USD.

HÌNH THÀNH 4 PHÂN VÙNG ĐÔ THỊ

Tờ trình cũng nêu rõ: “TP.HCM sẽ phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm gắn với đa dạng không gian sinh thái, bao gồm phân vùng đô thị trung tâm và 4 phân vùng đô thị là phía Đông, phía Tây, phía Nam, phía Bắc. TP.HCM hội tụ và lan tỏa động lực phát triển bởi sông Sài Gòn, 10 trục xuyên tâm, 3 vành đai và hành lang kinh tế biển; kết nối với mạng lưới giao thông quốc gia và quốc tế”.

Trong đó, mỗi vùng đô thị đều là những vùng đa chức năng, có thể đáp ứng nhu cầu việc làm và môi trường sống chất lượng cao, tại chỗ cho bộ phận lớn người dân; thực hiện vai trò trung tâm vùng, quốc gia và quốc tế. Đô thị phát triển tập trung gắn với giao thông công cộng; từ các trung tâm sản xuất – kinh doanh có thể kết nối đến cảng biển, sân bay và rừng ngập mặn trong vòng 15-20 phút.

Cụ thể, phân vùng đô thị trung tâm được giới hạn bởi sông Sài Gòn, Quốc lộ 1, kênh Đôi và kênh Tẻ. Tính chất chính là hành chính, đối ngoại, thương mại, dịch vụ, kinh tế tri thức, đô thị sáng tạo… Dự báo quy mô dân số đến năm 2040 là khoảng 4,3 triệu người.

Phân vùng đô thị phía Đông – thành phố Thủ Đức có các chức năng chính gồm: Đô thị sáng tạo, giáo dục đào tạo, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tài chính, y tế, du lịch sinh thái… Trong đó, trung tâm tài chính quốc tế được định hướng phát triển tại khu vực Thủ Thiêm. Dự báo quy mô dân số đến năm 2040 là khoảng 2,2 triệu người.

Phân vùng đô thị phía Bắc bao gồm khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 thuộc quận 12, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi. Các chức năng chính gồm: Dịch vụ giải trí, văn hóa, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ sinh thái môi trường và nông nghiệp (nông nghiệp cảnh quan, hữu cơ, chất lượng cao, công nghệ cao), công nghiệp, giáo dục – đào tạo, du lịch sinh thái – văn hóa – lịch sử… Dự báo quy mô dân số đến năm 2040 khoảng 4,5 triệu người.

Phân vùng đô thị phía Tây gồm khu vực phía Đông Quốc lộ 1 thuộc quận Bình Tân, khu vực phía Bắc và trung tâm huyện Bình Chánh đến phía Tây sông Cần Giuộc. Chức năng chính là đô thị công nghiệp, dịch vụ thương mại, công nghệ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trung tâm y sinh hóa dược, giáo dục – đào tạo… Dự báo quy mô dân số đến năm 2040 khoảng 2,4 triệu người.

Phân vùng đô thị phía Nam gồm khu vực phía Nam kênh Đôi thuộc quận 8, khu vực phía Đông sông Cần Giuộc thuộc huyện Bình Chánh, quận 12, quận 7, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ. Phân vùng này đảm nhận chức năng chính là đô thị công nghệ cao, sinh thái nước, kinh tế tri thức, văn hóa nghệ thuật, triển lãm, hội chợ, giải trí, du lịch sinh thái, công nghiệp, logistics, trung tâm kinh tế biển… Dự báo quy mô dân số đến năm 2040 là khoảng 3,1 triệu người.

Source