Chủ Nhật, Tháng mười hai 22News That Matters

Đô thị xanh dọc sông Sài Gòn, dấu ấn phát

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đã được Hội đồng nhân dân TP.HCM thông qua tại kỳ họp thứ 15 khóa X ngày 19/5/2024. Nét mới được ghi nhận trong đồ án điều chỉnh là quy hoạch không gian đô thị dọc sông Sài Gòn.

BIỂU TƯỢNG CHO CHUYỂN ĐỔI XANH

Quy hoạch không gian đô thị dọc sông Sài Gòn được xác định là bước đột phá trở thành biểu tượng cho sự chuyển đổi của thành phố, góp phần xây dựng một đô thị sông nước hiện đại, xanh hóa, phát triển bền vững của cả khu vực.

Đồ án dự báo quy mô dân số TP.HCM đến năm 2040 là 13 triệu người, năm 2050 là 14,5 triệu người và đạt 16 triệu người vào năm 2060. Từ đó, việc tính toán, đề xuất quy mô đất xây dựng đô thị, thành phố tiếp tục nghiên cứu tham khảo mô hình phát triển của các thành phố lớn tương tự trong khu vực, từ đó đề xuất chỉ tiêu và quy mô đất xây dựng đô thị phù hợp cho TP.HCM theo hướng ưu tiên phát triển nén hơn là dàn trải.

Với Đề án quy hoạch và quản lý hành lang sông Sài Gòn, dự kiến khu vực dọc trung tâm sẽ hình thành công viên, sân chơi trẻ em, đường đi bộ, không gian sinh hoạt cộng đồng… nhằm tạo ra hành lang đô thị xanh cho người dân cùng thụ hưởng. Song song đó, đề án còn hướng đến khai thác lịch sử lâu đời của Sài Gòn – Gia Định – TP.HCM và văn hóa sông nước với những viện bảo tàng, các khu vực hoạt động nghệ thuật và điểm đến lịch sử; đẩy mạnh kinh doanh quán ăn đường phố và các hoạt động giải trí khác…

Nhiều chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc đô thị đã đưa ra các giải pháp cùng khuyến cáo để TP.HCM phát triển theo hướng chuyển đổi xanh, xây dựng một đô thị sông nước gắn liền hành lang dọc sông Sài Gòn, hình thành nên biểu tượng mới cho phát triển bền vững thành phố.

Theo phân tích và khuyến nghị của kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, TP.HCM có thể bắt đầu từ việc xây dựng dự án chỉnh trang và phát triển không gian sông nước liên hoàn cho khu vực nội thành, nhất là khu vực hai bên sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Bình Triệu, quận Bình Thạnh đến cầu Tân Thuận, quận 7. Cụ thể, xây dựng và phát triển khu vực bán đảo Thanh Đa – Bình Quới với bản sắc đô thị sinh thái, du lịch giáo dục, làng nghệ thuật ven sông; chỉnh trang và phát triển khu vực các phường Trường Thọ và Thảo Điền, thành phố Thủ Đức với bản sắc khu đô thị hiện đại, sáng tạo, có chức năng giao lưu quốc tế và đóng vai trò trung tâm ven sông của thành phố Thủ Đức.

Tại hội thảo “Phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Seine”, diễn ra đầu tháng 3/2024, các chuyên gia đến từ liên danh tư vấn AVSE Global, Viện Quy hoạch vùng Paris IPR và tư vấn Pháp, đã nêu bật 5 đặc trưng độc đáo chính là xương sống tinh thần và thiên nhiên của TP.HCM dọc hành lang sông Sài Gòn. Đó là những đặc trưng về giá trị lịch sử đặc biệt đối với Việt Nam, với biểu tượng Bến cảng Nhà Rồng; là bản sắc sông nước gắn kết tình cảm vùng Nam Bộ; là đường ranh giới vật lý kết nối các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương; là tài sản độc đáo với hệ sinh thái đa dạng sinh học đẳng cấp thế giới; đồng thời cũng là thách thức lũ lụt khiến TP.HCM nằm trong số những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

DẤU ẤN PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ BỀN VỮNG

Năm phân vùng đô thị được đặt ra trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM bao gồm: Vùng đô thị trung tâm; đô thị phía đông; đô thị phía bắc – tây bắc; đô thị phía tây và đô thị phía nam. Các phân vùng được quy hoạch dựa trên cơ sở tầm nhìn là hạt nhân của “Vùng TP.HCM” và vùng Đông Nam Bộ và các mục tiêu phát triển đầu tư lớn, đạt tầm quốc tế toàn cầu, có thích ứng và biến đổi khí hậu cũng như các yêu cầu mới, định hướng phát triển đô thị. 

Quy hoạch TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của Vùng TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ. Ảnh minh họa.

Điểm nhấn và là trọng tâm của không gian đô thị ven sông Sài Gòn là tuyến đường ven sông (bờ hữu) sông Sài Gòn. Khi được đầu tư xây dựng, tuyến này sẽ tạo cơ hội tiếp cận, khai thác quỹ đất, cải thiện khả năng khai thác giá trị hành lang sông Sài Gòn. Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đánh giá đây là cơ hội nhằm mở ra không gian phát triển mới mang tính đột phá, không gian đô thị dọc sông Sài Gòn.

Theo ông Bằng, quy hoạch tuyến đường giao thông chạy dọc sông Sài Gòn không nhất thiết toàn bộ phải bám mặt tiền sông, mà cần tận dụng tối đa hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu đã, đang và sẽ đầu tư; đồng thời hạn chế ảnh hưởng đến đô thị hai bờ sông. Mục tiêu là nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và khai thác tiềm năng, lợi thế của sông Sài Gòn, tạo điều kiện hình thành các khu đô thị, thương mại, dịch vụ mới; tạo điểm nhấn về cảnh quan sông nước, phát triển du lịch, kinh tế ven sông. “Khi đã hình thành, tuyến đường này giúp khai thác các quỹ đất dọc sông Sài Gòn, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương phục vụ tái đầu tư, phát triển, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Thành phố khẳng định.

Tư duy phát triển đô thị gắn với thúc đẩy phát triển nông thôn cũng đã được Thường trực Chính phủ góp ý với chính quyền TP.HCM tại Thông báo số 269/TB-VPCP ngày 22/6/2024 của Văn phòng Chính phủ kết luận của Thường trực Chính phủ về quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Thường trực Chính phủ đề nghị TP.HCM cần nghiên cứu mô hình, cấu trúc phát triển “làng trong phố, phố trong làng” phù hợp với giai đoạn phát triển xanh và các huyện ngoại thành.

Để đề án quy hoạch và quản lý hành lang sông Sài Gòn được triển khai đáp ứng tốt các tiêu chí trên, các chuyên gia về quy hoạch đô thị cho rằng cần phải phân rõ trách nhiệm, trong đó nhà nước làm những hạng mục nào, còn lại kêu gọi tư nhân tham gia với lợi ích phải minh bạch, rõ ràng. Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Khương Văn Mười, vấn đề cốt lõi, quan trọng nhất là dù chủ thể đầu tư là ai cũng đều phải tuân thủ nghiêm quy hoạch giữ được cảnh quan hai bên bờ sông nhằm phục vụ cho người dân và sự phát triển lâu dài của thành phố.

Ngoài đề án quy hoạch và quản lý hành lang sông Sài Gòn, hiện TP.HCM cũng đang triển khai triển khai đề án Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông” với mục đích phát huy giá trị văn hóa, lịch sử và sinh thái dọc bờ sông Sài Gòn. Những hạng mục đầu tiên của dự án này là xác định tầm nhìn và định hướng quản lý đồng bộ khu vực sông Sài Gòn; bao gồm đề xuất các nguyên tắc và giải pháp đầu tư, quản lý dữ liệu quy hoạch, đất đai, và hành lang bảo vệ bờ sông. Kế hoạch cũng nhằm kết nối giao thông đồng bộ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến phát triển hạ tầng xanh đa chức năng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế và du lịch ven sông.

Với những kế hoạch và giải pháp đồng bộ nhằm phát triển hành lang dọc sông Sài Gòn, tạo điểm nhấn như một biểu tượng cho chuyển đổi xanh, TP.HCM đang nỗ lực hướng tới phát triển bền vững, đô thị xanh, giảm thiểu phát thải carbon và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Source