Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng chia sẻ tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 và 7 tháng đầu năm diễn ra chiều 5/8.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên liên quan đến mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội trong năm 2024 và giải ngân gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết: “Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai, với quy mô 561.816 căn. Trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 79 dự án, với quy mô 40.679 căn; Số lượng dự án đã cấp phép, khởi công xây dựng là 128 dự án, với quy mô 111.688 căn; Số lượng dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai đầu tư xây dựng là 412 dự án, với quy mô 409.449 căn”.
Riêng 6 tháng đầu năm 2024 có 08 dự án đã hoàn thành (04 dự án hoàn thành toàn bộ, 04 dự án hoàn thành 1 phần), với quy mô 3.136 căn; 05 dự án đã cấp phép, khởi công xây dựng, với quy mô 8.468 căn; 09 dự án đã có chủ trương đầu tư, với quy mô 8.795 căn.
“Bộ Xây dựng cũng đặt ra mục tiêu hoàn thành các dự án đã khởi công đúng tiến độ vào năm 2024. Đây là áp lực tiến độ rất lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, ban, bộ, ngành, địa phương”, Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng nhấn mạnh.
Liên quan đến gói hỗ trợ tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết đến nay mới có 34/63 tỉnh thành có văn bản, công bố 78 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử. Các ngân hàng đã giải ngân số tiền là 1.344 tỷ đồng bao gồm: 1.295 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án; và 49 tỷ đồng cho người mua nhà tại 5 dự án.
Thực hiện Nghị quyết số 33 của Chính phủ, đã triển khai Chương trình gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại Nhà nước trên thị trường trong các thời kỳ.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang xin ý kiến với các ban, bộ, ngành liên quan đến hồ sơ dự thảo Tờ trình, Nghị quyết điều chỉnh nội dung Chương trình 120.000 tỷ đồng tại Nghị quyết số 33/NQ-CP theo hướng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng mua từ 3-5% (đối với khách hàng là chủ đầu tư thì giữ nguyên mức hỗ trợ 1,5-2%).
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã có văn bản thống nhất với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước để tạo điều kiện cho người tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, cũng như phù hợp với Thông báo 123 của Chính phủ ngày 27/3/2024; Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhà ở xã hội; Nghị quyết 44 của Chính phủ 5/4/2024, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương; Công điện 32 ngày 5/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp điều hành tăng cường tín dụng năm 2024.
Về nhiệm vụ, giải pháp sắp tới, Thứ trưởng Bùi Xuân Dũng đề nghị: đối với các ban, bộ, ngành, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc, triển khai thực hiện Chỉ thị 34 của Trung ương ngày 24/5/2024, đôn đốc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, triển khai mục tiêu của Đề án trong tháng 8/2024.
Về giải pháp đột phá, Thứ trưởng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại tham gia cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng và nới tín dụng, tạo điều kiện cho ngân hàng thực hiện các thủ tục nghiên cứu, xem xét tăng thời hạn nhà ở lãi suất cho vay, nguồn hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng.
Thời hạn cho vay là 10-15 năm, lãi suất ưu đãi hơn, thấp hơn 3-5% so với ngân hàng thương mại thông thường, để hỗ trợ đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Đối với các địa phương, Thứ trưởng đề nghị căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương để có cơ chế, giải pháp cụ thể rút ngắn thủ tục hành chính để lập và phê duyệt dự án giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục bố trí xây dựng, hỗ trợ khuyến khích cho các doanh nghiệp triển khai đầu tư dự án tạo nguồn lực, nguồn cung của thị trường và tận dụng được nguồn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.