Thứ năm, Tháng chín 19News That Matters

M&A bất động sản Việt: Kỳ vọng sôi động từ

Trong 6 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam tăng tới 61,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, bất động sản công nghiệp gần các tuyến đường cao tốc, cửa khẩu, cảng biển, sân bay và bất động sản bán lẻ khu vực trung tâm tỉnh, thành lớn tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

THƯƠNG VỤ M&A NỔI BẬT QUÝ 2/2024

Theo ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills, lĩnh vực bất động sản công nghiệp sẽ chứng kiến ​​nhu cầu ổn định, được hỗ trợ bởi dòng vốn FDI và phát triển cơ sở hạ tầng.

“Điều này sẽ khuyến khích các nhà phát triển mở rộng danh mục đầu tư của họ, chẳng hạn như VSIP, đang xây dựng một khu công nghiệp rộng 600 ha tại Lạng Sơn và Gaw NP Industrial, đang giới thiệu gần 100.000 m2 nhà máy và nhà kho xây sẵn tại Hà Nam”, ông dẫn chứng.

Đặc biệt, lĩnh vực mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản đang được kỳ vọng sẽ sôi động khi các luật liên quan có hiệu lực.

Mới đây, trong những tháng đầu năm 2024, một số thương vụ M&A nổi bật trên thị trường đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Cụ thể, Tập đoàn Kim Oanh (Việt Nam) hợp tác với NTT Urban Development, Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi Co Ltd (Nhật Bản) để phát triển The One World, một khu dân cư rộng 50 ha tại tỉnh Bình Dương.

Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) đã mua lại 25% cổ phần trong dự án Paragon Đại Phước rộng 45,5 ha từ Tập đoàn Nam Long (Việt Nam) với giá khoảng 26 triệu USD.

Tripod Technology Corporation đã mua lại một lô đất công nghiệp rộng 18 ha tại Bà Rịa – Vũng Tàu từ Sonadezi Châu Đức. Với vốn đầu tư 250 triệu USD, Nhà máy Electronic Tripod Việt Nam (Châu Đức) góp phần hiện thực hóa kế hoạch mở rộng và phát triển ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao của Tập đoàn Công nghệ Tripod. Đây cũng là dự án công nghệ cao có quy mô lớn nhất tại KCN Châu Đức tính đến thời điểm hiện nay.

Lĩnh vực đầu tư trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương dù đang chậm lại trong quý 2/2024, dẫn đến mức giảm 28,1% so với cùng kỳ năm trước về khối lượng đầu tư sơ bộ, tổng giá trị đầu tư giảm xuống còn 26,3 tỷ USD (tính các giao dịch trị giá hơn 10 triệu USD, không bao gồm các địa điểm phát triển và các giao dịch đang chờ thực hiện).

Tuy nhiên, ông Troy Griffiths cho rằng báo cáo cho thấy trong khu vực, phân khúc bất động sản thương mại bao gồm văn phòng, bán lẻ và công nghiệp/hậu cần tiếp tục dẫn dắt khối lượng đầu tư trong quý 2/2024, chiếm hơn 75%. Tỷ lệ đầu tư vào khách sạn đã tăng gấp đôi trong quý 2/2024, cho thấy sự chuyển dịch liên tục sang các tài sản thay thế có thể mang lại lợi suất đầu tư tiềm năng.

Điều này có được dựa trên dự báo GDP thực tế năm 2024 của Châu Á – Thái Bình Dương đã được điều chỉnh lên tới 3,9%, được thúc đẩy bởi hiệu suất kinh tế mạnh mẽ của Ấn Độ và sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu.

SẼ SÔI ĐỘNG NHỜ CÁC LUẬT MỚI?

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, việc 03 luật liên quan đến thị trường bất động sản gồm: Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 sẽ giúp thanh lọc, định hướng thị trường phát triển lành mạnh hơn, qua đó, hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập) cũng sẽ sôi động hơn.

Theo luật sư Nguyễn Trúc Hiền, thành viên Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Việt Nam (VILAF), chia sẻ tại hội thảo “Pháp lý và tài chính trong giao dịch M&A bất động sản dưới tác động của khuôn khổ pháp lý mới”, do VIAC phối hợp VCCI-HCM tổ chức mới đây, cho rằng Luật Đất đai 2024 sẽ bổ sung thêm nhiều quyền lợi cho nhà đầu tư nước ngoài như về việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, sử dụng đất do nhận chuyển nhượng dự án bất động sản và mở rộng phương thức nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Còn theo ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc EY-Parthenon, Tư vấn chiến lược của Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam, M&A bất động sản tại Đông Nam Á có xu hướng suy giảm từ năm 2021 đến nay. Việt Nam cũng có số lượng M&A giảm nhẹ trong nửa đầu năm 2024, tuy nhiên giá trị giao dịch tăng lên gần 9% so với cùng kỳ năm 2023.

“Nhà đầu tư ngoại vẫn đang có xu hướng tìm kiếm, mua lại các dự án bất động sản nhà ở hoặc quỹ đất sạch lớn ở các khu vực ngoại thành hoặc các tỉnh, thành phố lân cận đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM để phát triển các dự án nhà phức hợp”, ông Đồng nói.

Thị trường bất động sản Việt Nam rất có sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài như Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc thông qua cả M&A và FDI, theo ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI-HCM. Các nhà đầu tư kỳ vọng với các luật mới liên quan sẽ giải quyết những vướng mắc tồn đọng, khơi thông nguồn lực cho các dự án mới, làm minh bạch hơn thị trường bất động sản…

Source