Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Quyết định số 954/QĐ-BGTVT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú giai đoạn 1 theo phương thức PPP.
Theo quyết định này, dự án có chiều dài 60,24 km với điểm đầu Km 0 tại khu vực nút giao quốc lộ 1, thuộc cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất), và điểm cuối Km 60+243,83 tại điểm cuối thuộc phạm vi nút giao với quốc lộ 20 nối với dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc (xã Phú Trung, huyện Tân Phú). Chiều dài dự án nằm trong địa phận tỉnh Đồng Nai.
Giai đoạn 1, cao tốc Dầu Giây – Tân Phú được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 100 (tức vận tốc 100 km/h), quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 17 m. Tại các vị trí xử lý nền đất yếu, nền đường đào, đắp cao, phạm vi nút giao liên thông, đoạn dừng xe khẩn cấp, công trình cầu trên đường cao tốc thiết kế mặt cắt ngang theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh với bề rộng nền đường 24,75 m.
Theo thiết kế, trên toàn tuyến sẽ bố trí 5 nút giao liên thông, trong đó giai đoạn 1 đầu tư 4 nút giao và hoạch định 1 nút giao. Cụ thể, nút giao Dầu Giây tại Km 0 kết nối cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây và quốc lộ 1; nút giao đường tỉnh ĐT 763 tại Km16+500 kết nối cao tốc với quốc lộ 20, quốc lộ 1 thông qua đường tỉnh ĐT 763; nút giao Cao Cang tại Km 38 kết nối cao tốc với quốc lộ 20, trung tâm huyện Định Quán (Đồng Nai) và huyện Đức Linh (Bình Thuận); nút giao Tân Phú tại Km 57+700 kết nối cao tốc với quốc lộ 20, trung tâm huyện Tân Phú. Riêng tại vị trí giao cắt với đường tỉnh ĐT 770B tại Km 10+400, trước mắt đầu tư cầu vượt trực thông trên đường cao tốc, việc đầu tư hoàn thiện nút giao liên thông thực hiện vào thời điểm thích hợp.
Dự án sẽ xây dựng 26 cầu vượt đường ngang; 4 cầu trên nhánh nút giao vượt cao tốc; 24 hầm chui dân sinh kết hợp một số vị trí chui dưới cầu trên chính tuyến; khoảng 31 km đường gom kết hợp với hệ thống hầm chui dân sinh, cầu vượt ngang, hệ thống đường hiện hữu bảo đảm kết nối giao thông, hạn chế ảnh hưởng tới đời sống cư dân. Đối với các đoạn tuyến đi trùng với đường hiện hữu, xây dựng đường hoàn trả theo quy mô tương đương với đường hiện trạng. Công trình cũng đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thiết bị trên đường cao tốc, các nhánh nút giao, trung tâm điều hành giao thông tuyến, phần mềm quản lý… nhằm phục vụ quản lý, khai thác đường cao tốc bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, hiệu quả, kịp thời, tiện lợi và thân thiện với môi trường.
Dự kiến trên tuyến cũng bố trí trạm dừng nghỉ tại Km 40, quy mô khoảng 3 ha tương ứng mỗi bên; chi phí giải phóng mặt bằng trạm dừng nghỉ tính trong tổng mức đầu tư dự án. Tổng diện tích chiếm dụng đất cho dự án khoảng 378 ha; trong đó, huyện Thống Nhất khoảng 95 ha, huyện Định Quán khoảng 156 ha, huyện Xuân Lộc khoảng 5 ha và huyện Tân Phú khoảng 122 ha.
Sơ đồ cao tốc Dầu Giây – Tân Phú trong toàn tuyến Dầu Giây – Liên Khương.
Cũng theo quyết định phê duyệt, dự án có tổng mức đầu tư gần 8.981 tỷ đồng. Bao gồm: Vốn do nhà đầu tư huy động khoảng hơn 7.681,539 tỷ đồng; vốn nhà nước khoảng 1.300 tỷ đồng, vốn này thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021. Dự kiến kế hoạch bố trí vốn năm 2025 khoảng 30%, năm 2026 khoảng 40% và năm 2027 khoảng 30%. Thời gian thu phí hoàn vốn của dự án được tính toán là 18 năm 2 tháng 11 ngày.
Cục Đường cao tốc Việt Nam là cơ quan được Bộ Giao thông vận tải ủy quyền ký kết hợp đồng; Ban quản lý Dự án Thăng Long được giao là bên mời thầu. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu rộng rãi trong nước. Thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư là từ năm 2024 – 2025.
Quyết định phê duyệt cũng nêu rõ cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu. Theo đó sẽ thực hiện theo quy định tại điều 82 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, và Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức PPP.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Dầu Giây – Tân Phú đã Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1045/QĐ-TTg ngày 06/9/2022, là dự án nằm trong tổng thể dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương nối Đồng Nai và Đà Lạt (Lâm Đồng), gồm các dự án thành phần: Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương và Liên Khương – Prenn (Đà Lạt).
Mục tiêu của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 20; hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP.HCM – Dầu Giây – Liên Khương, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng, vùng Đông Nam Bộ nói chung. Dự án đồng thời tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng Đông Nam Bộ với đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo quy hoạch; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.