Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 565/QĐ-TTg (ngày 26/6/2024) ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch này được ban hành nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1736/QĐ-TTg (ngày 29/12/2023) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quyết định, trong đầu tư công, tỉnh Tây Ninh sẽ ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng gắn với hành lang kinh tế Mộc Bài – TP.HCM – Biên Hoà – Vũng Tàu. Tăng cường kết nối hướng Đông – Tây với Bình Dương, Bình Phước, Long An.
Hạ tầng kỹ thuật đô thị tại 03 vùng phát triển và 04 trục động lực đã được xác định trong quy hoạch tỉnh; hạ tầng y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội; hạ tầng thông tin, truyền thông, chuyển đổi số để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả.
Tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, cấp nước, thoát nước, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 ở mức 9,5%/năm, tỉnh Tây Ninh dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 628.000 tỷ đồng.
Tỉnh Tây Ninh dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 628.000 tỷ đồng để thực hiện quy hoạch tỉnh
Theo kế hoạch, đối với dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, tỉnh sẽ thu hút đầu tư mở rộng, nâng cao năng suất, hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại 03 vùng phát triển và 04 trục động lực của tỉnh.
Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư gồm: hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hệ thống cảng thủy nội địa, hạ tầng logistics.
Thu hút đầu tư vào các dự án phát triển du lịch, các dự án phát triển năng lượng tái tạo, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các lĩnh vực hạ tầng thông tin và truyền thông, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; các dự án cấp, thoát nước, xử lý chất thải; hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, môi trường, đô thị, dân cư, thương mại, dịch vụ…
Ngoài ra, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Tây Ninh sẽ triển khai đầu tư hàng loạt các dự án khu đô thị, khu dân cư.
Cụ thể, tại TP. Tây Ninh sẽ có 04 dự án, như: Khu đô thị Ninh Thạnh; Khu đô thị phục vụ Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen; Các khu đô thị phụ cận Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, phía Nam đường ĐT.790; Các khu đô thị mới, thương mại, dịch vụ tại phường 1, xã Bình Minh.
Bên cạnh đó, các khu đô thị triển khai giữa TP. Tây Ninh và huyện Gò Dầu là các khu đô thị mới, kết hợp chức năng thể thao, sân golf, sinh thái, nghỉ dưỡng. Các khu đô thị thương mại, dịch vụ theo quy hoạch chung và quy hoạch phân khu thuộc thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành, thị xã Trảng Bàng và huyện Gò Dầu.
Phát huy thế mạnh vùng biên, Tây Ninh cũng phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài; khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát; Hạ tầng cửa khẩu quốc tế Tân Nam; Hạ tầng cửa khẩu chính Phước Tân. Đồng thời, phát triển khu công nghiệp Hiệp Thạnh; khu công nghiệp Thạnh Đức; khu công nghiệp Bến Củi; khu công nghiệp Hưng Thuận; khu công nghiệp Thành Thành Công mở rộng…