Tại cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo 03 nghị định: Quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở, xây dựng lại nhà chung cư (Nghị định nhà chung cư); quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở (Nghị định chung về nhà ở); quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển, quản lý nhà ở xã hội (Nghị định nhà ở xã hội), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết sẽ ưu tiên phương án người dân tự thỏa thuận với doanh nghiệp để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu dự thảo nghị định nhà chung cư phải thể hiện được trách nhiệm của Nhà nước trong cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư – Ảnh: MK.
Đối với quy định lựa chọn chủ đầu tư tại dự thảo Nghị định nhà chung cư, đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng trường hợp nhà chung cư đã hết hạn sử dụng hoặc thuộc diện phải phá dỡ để bảo đảm an toàn thì không cần ý kiến toàn bộ chủ sở hữu.
Các trường hợp còn lại khi thực hiện dự án cải tạo, xây lại nhà chung cư phải nhận được sự đồng ý của 100% chủ sở hữu.
Trong xác định hệ số quy đổi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện dự án cải tạo, xây lại nhà chung cư, nhiều ý kiến cho rằng vướng mắc lớn nhất là bảo đảm quyền lợi cho các hộ dân sinh sống và kinh doanh, buôn bán ở tầng 1.
Trên thực tế, rất nhiều chung cư không thể thực hiện cải tạo, xây dựng lại do các hộ dân ở tầng 1 không đồng ý thỏa thuận với chủ đầu tư do không được bố trí lại nơi ở tại tầng 1.
Theo Phó Thủ tướng, dự thảo nghị định cần quy định rõ các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư thực hiện tái định cư tại chỗ, ưu tiên các hộ dân ở tầng 1 được mua, thuê diện tích ở tầng 1 để ở, kinh doanh; đồng thời xây dựng bộ tiêu chí xác định hệ số quy đổi diện tích chỗ ở tại chung cư cũ sang chung cư mới.
“Ưu tiên phương án người dân tự thỏa thuận với doanh nghiệp để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, nhưng cơ quan quản lý nhà nước phải giám sát, bảo đảm quyền lợi của người dân khi phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư dự án”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Nhấn mạnh việc xác định tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Phó Thủ tướng yêu cầu dự thảo nghị định phải thể hiện được trách nhiệm của nhà nước trong cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tích hợp trong trong quy hoạch, chỉnh trang đô thị, xây dựng, quy hoạch phân khu, chương trình phát triển nhà ở của địa phương, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp.
“Trường hợp những khu chung cư không có nhà đầu tư tham gia, Nhà nước sẽ thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư bằng nguồn vốn ngân sách”, Phó Thủ tướng nói.
Ông Trần Hồng Hà cũng yêu cầu Bộ Xây dựng cần đưa ra tiêu chí khoa học, trình tự thủ tục, trách nhiệm, thẩm quyền trong kiểm định, đánh giá, lập danh sách khu chung cư còn thời hạn sử dụng, đã hết hạn sử dụng và có thời hạn thực hiện cải tạo, thuộc diện phải di dời khẩn cấp, trong đó, tiêu chí hàng đầu là bảo đảm an toàn cho người dân.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng không nên giới hạn sự lựa chọn của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại khi đóng tiền thực hiện nghĩa vụ về nhà ở xã hội – Ảnh: MK.
Đối với dự thảo Nghị định nhà ở xã hội, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, cơ quan soạn thảo làm rõ việc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại phải có giá trị sử dụng tương đương tối thiểu 20% tổng diện tích đất ở của dự án nhà ở thương mại; bỏ quy định giới hạn lựa chọn của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại khi thực hiện đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xây nhà ở xã hội.
Vấn đề này, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài chính đề nghiên cứu phương án, cơ chế, nguồn vốn thực hiện quy định hoàn trả tiền sử dụng đất đối với trường hợp chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng để thực hiện dự án nhà ở xã hội (khoản 4 Điều 8).