Ông nhận định thế nào về diễn biến của thị trường bất động sản từ đầu năm 2024 đến nay?
Sau thời gian dài trầm lắng khiến “sức khỏe” của thị trường cũng như cộng đồng doanh nghiệp bất động sản suy giảm nghiêm trọng, nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ, của các bộ, ngành trong việc gỡ vướng, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, từ cuối năm 2023, thị trường bất động sản đã bắt đầu ghi nhận những tín hiệu phục hồi. Tới thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản vẫn đang trên đà hồi phục cả về nguồn cung, giá bán và giao dịch.
Hàng loạt dự án bất động sản đa dạng phân khúc được tái khởi động, khởi công, công bố, giới thiệu ra thị trường và đều được quan tâm với kết quả bán hàng ấn tượng. Từ đầu năm đến nay, các hoạt động khởi công, kick-off, “làm mới hàng cũ” diễn ra rầm rộ với quy mô ngày càng lớn. Các dự án mới mở bán sản phẩm đất nền, nhà phố, biệt thự, căn hộ… đều ghi nhận mức độ quan tâm, giao dịch và giá bán tăng trưởng tốt trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Tỷ lệ hấp thụ trong quý 1/2024 đạt khoảng 6.200 giao dịch thành công, tăng 8% so với quý trước và gấp đôi cùng kỳ năm trước. Làn sóng phục hồi đang ngày càng lan rộng.
Theo ông, những dự án mới mở bán gần đây có gì khác biệt so với các dự án đã ra hàng ở giai đoạn trước mà giá bán liên tục được đẩy lên “tầm cao mới”?
Hầu hết các dự án được mở bán trong thời gian gần đây chủ yếu thuộc phân khúc trung cấp trở lên, nên giá bán cao, từ đó đẩy giá trung bình nhà ở trên thị trường lên một mặt bằng giá mới. Mặc dù vậy, nhu cầu đầu tư trên thị trường vẫn rất lớn, kể cả nhu cầu về phân khúc hạng sang, cao cấp chứ không riêng gì phân khúc đáp ứng nhu cầu ở thực.
Bên cạnh đó, điểm chung của hầu hết các dự án được triển khai kinh doanh là đều có sự đầu tư bài bản về chất lượng với hồ sơ pháp lý “sạch”, cùng các chính sách ưu đãi ngày càng đa dạng, phù hợp với nhu cầu và mong muốn của khách hàng ngay từ giai đoạn booking. Các chủ đầu tư ngày càng chú trọng hơn về chất lượng dự án và tiện ích đi kèm, do đó, tổng vốn đầu tư cũng tăng lên, dẫn đến giá bán cũng bị đẩy lên.
Bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư vào dự án, thì các mô hình hợp tác, liên kết giữa chủ đầu tư với sàn giao dịch, giữa các sàn giao dịch,… cũng được thúc đẩy để phát triển và phân phối các dự án tới cả thị trường trong nước và quốc tế, giúp các hoạt động trên thị trường đi vào bài bản, chuyên nghiệp hơn.
Với sự chuyên nghiệp hơn như vậy, đội ngũ môi giới (trong đó có một bộ phận môi giới chuyên “đầu cơ, thổi giá”, gây xáo trộn thị trường để thu lợi bất chính) có hoạt động chuyên nghiệp, bài bản hơn không, thưa ông?
Thời gian gần đây, cùng với sự phục hồi của ngành bất động sản, nghề môi giới bất động sản cũng trở lên hấp dẫn hơn, thu hút nhiều người tham gia và quay trở lại. Doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là doanh nghiệp môi giới bắt đầu cuộc đua thu hút nhân sự, với các chính sách tuyển dụng hấp dẫn để thu hút lực lượng môi giới chất lượng cao. Chúng tôi ước tính chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2024, so với thời điểm thị trường khó khăn nhất, đã có khoảng 40% tổng số môi giới viên quay trở lại ngành.
Trước bài học phải rời bỏ công việc hàng loạt ở quãng thời gian trước, môi giới bất động sản mới tham gia và quay trở lại thị trường cũng đã trải qua “cuộc cách mạng” về tư duy, với tâm thế cẩn trọng từ việc chuẩn bị hành trang kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho bản thân, tới việc lựa chọn sàn giao dịch để “đầu quân”.
Nhiều sàn giao dịch cũng xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng, có lộ trình đào tạo, văn hóa doanh nghiệp chuẩn mực, chuyên nghiệp,… trở thành lựa chọn ưu tiên của các chủ đầu tư cũng như nhân sự ngành bất động sản. Các sàn môi giới năng lực thấp dự kiến sẽ “khó sống”, hoặc nhân sự của họ cũng dần phải “đầu quân” cho các sàn lớn. Điều này sẽ giúp cho thị trường có nhiều chuyển biến tích cực hơn.
Trong sự chuyển biến tích cực của thị trường nói chung và các chủ thể tham gia thị trường nói riêng, theo ông, báo chí đóng vai trò như thế nào?
Tính riêng giai đoạn từ 2019 đến nay, thị trường bất động sản đã trải qua nhiều thăng trầm, hết “sốt nóng” lại đến “đóng băng”. Mỗi giai đoạn đều bộc lộ những mặt hạn chế.
Giai đoạn thị trường “sốt nóng”, thường diễn ra tình trạng “đầu cơ, thổi giá”, không chỉ gây bất ổn cho các địa phương có “sốt” đất, gây rủi ro cho người mua, mà còn đe dọa tới sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản… Trong giai đoạn này, báo chí cũng nhanh chóng, sát sao vào cuộc phản ánh cụ thể, phân tích sâu vấn đề, góp phần giúp các cơ quan quản lý có thông tin chân thực, để đưa ra những giải pháp xử lý hiệu quả, người có nhu cầu có thể nhìn nhận đúng bản chất của thị trường để bình tĩnh, thận trọng trong giao dịch…
Trong giai đoạn vừa qua, thị trường đình trệ, các doanh nghiệp bị bủa vây bởi khó khăn kép, bao gồm tác động của đại dịch Covid – 19, chính sách siết chặt vốn vay bất động sản, vướng mắc về pháp lý,… báo chí đã tích cực phản ánh thực trạng, nỗi lòng của doanh nghiệp bất động sản, truyền tải ý kiến của các chuyên gia trong việc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản… từ đó, giúp các cơ quan chức năng có cái nhìn toàn diện về những bất cập của thị trường, có giải pháp cụ thể trong vấn đề tháo gỡ và xây dựng cơ chế, chính sách bất động sản hợp lý, hữu hiệu hơn.
Cụ thể như các luật mới sắp có hiệu lực, bao gồm Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Đất đai 2024… có những điểm mới được đánh giá là sẽ giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng, thúc đẩy thị trường phát triển ổn định và bền vững. Bên cạnh đó, báo chí cũng gợi mở các doanh nghiệp bất động sản nhìn nhận lại bản thân, trên cơ sở đó, thực hiện các giải pháp tự cứu mình và triển khai những bước đi phù hợp, nhằm duy trì hoạt động, từng bước vượt qua khó khăn…
Như vậy, thông qua hoạt động của mình, báo chí đã gắn kết thông tin một cách nhanh nhất từ cơ quan nhà nước đến các chủ thể liên quan đến thị trường và ngược lại. Đồng thời, báo chí cũng là cầu nối liên lạc từ chủ đầu tư đến với khách hàng, chủ đầu tư đến với các cơ quan quản lý nhà nước, từ khách hàng đến với Nhà nước và các chủ đầu tư. Thông qua các bài viết được đăng tải, báo chí mang đến cho độc giả, trong đó có các chủ thể tham gia thị trường bất động sản thông tin toàn diện về thị trường, bao gồm pháp lý, nguồn cung, giao dịch… từ quá khứ, cho đến hiện tại và dự báo xu hướng trong tương lai. Trên cơ sở đó, có thể đưa ra các quyết định hợp lý nhất khi tham gia vào thị trường này.
Riêng với Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, báo chí có vị trí ra sao, thưa ông?
Với Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, báo chí nói chung, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, nói riêng luôn là bạn đồng hành thân thiết. Thông qua các bài viết về bất động sản trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam/ VnEconomy, Hội có thêm thông tin hữu ích để nghiên cứu, phản biện và đề xuất lên các cơ quan chức năng những cơ chế, chính sách phù hợp hơn, góp phần thúc đẩy thị trường phát triển ổn định, bền vững.
Các bài viết đó cũng giúp các doanh nghiệp bất động sản, trong đó có các công ty dịch vụ, các sàn giao dịch bất động sản nắm bắt kịp thời các quy định mới, nhìn nhận chuẩn xác hơn về diễn biến của thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng, để đề ra các hướng đi phù hợp, mang lại hiệu quả cao hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chúng tôi cũng nhận thấy Tạp chí Kinh tế Việt Nam/ VnEconomy, luôn cập nhật các hoạt động của Hội và ý kiến của đại diện Hội đến đông đảo độc giả một cách chân thực, khách quan. Vì vậy, có thể nói thông qua báo chí, vai trò của môi giới bất động sản cũng được nâng cao hơn, lên đúng tầm quan trọng của ngành nghề này trong hoạt động giao dịch bất động sản nói riêng và hoạt động kinh tế nói chung.
Như tôi đã nói, thông qua phản ánh của báo chí cũng như những bài học đã trải qua mà đội ngũ môi giới bất động sản ngày càng hoạt động chuyên nghiệp hơn. Sắp tới, khi các Luật mới có hiệu lực, môi trường hoạt động của môi giới bất động sản sẽ quy củ, chặt chẽ hơn; thị trường bất động sản cũng phát triển lành mạnh, bền vững hơn. Chúng tôi kỳ vọng, báo chí với vai trò và tầm quan trọng của mình sẽ sớm đưa các chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung và về pháp lý liên quan đến lĩnh vực bất động sản nói riêng đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, thiết thực.
Với sự truyền tải của báo chí, các hiện tượng tiêu cực, các lỗ hổng, bất cập trong pháp lý,… ngày càng sớm được phát hiện, xử lý, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và hiệu quả hơn…
VnEconomy 21/06/2024 06:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2024 phát hành ngày 17/6/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam