Thứ tư, Tháng mười một 13News That Matters

Đẩy nhanh phát triển ngành logistics tại TP

Văn phòng UBND TP.HCM vừa có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Dũng tại cuộc họp nghe báo cáo về tiến độ triển khai các nhiệm vụ phát triển ngành logistics trên địa bàn TP.HCM năm 2024 và về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án thành lập trung tâm logistics Cát Lái trên địa bàn TP. Thủ Đức.

Theo đó, ông Dũng giao Sở Nội vụ phối hợp cùng với Sở Công thương và các sở, ngành liên quan rà soát, kiện toàn “Hội đồng phát triển ngành dịch vụ vận tải, kho bãi, hệ thống cảng, logistics trên địa bàn TP.HCM”.

Các đơn vị liên quan chủ trì chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí chi tiết, gửi về Sở Công thương để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố trước ngày 29/6/2024.

Sở Quy hoạch – Kiến trúc phối hợp với Sở Công thương, UBND TP. Thủ Đức và các quận/huyện (Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn) tập trung rà soát nhiệm vụ quy hoạch các trung tâm logistics, đảm bảo gắn với quy hoạch chung của thành phố đang được điều chỉnh. Thời gian trình trước ngày 30/9/2024.

Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh Quy trình phối hợp triển khai thành lập trung tâm logistics trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thời gian trình UBND thành phố trước ngày 30/11/2024.

Về dự án xây dựng Trung tâm logistics Khu công nghệ cao, giao Sở Nội vụ chủ trì tham mưu UBND thành phố thành lập Tổ công tác nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc của Ban quản lý Khu công nghệ cao trong quá trình triển khai thực hiện.

Về dự án xây dựng trung tâm logisitics Cát Lái, ông Dũng đề nghị Thanh tra thành phố hướng dẫn Công ty cổ phần tiếp vận Đông Sài Gòn khẩn trương thực hiện các kết luận thanh tra có liên quan đến dự án xây dựng trung tâm logisitics Cát Lái. Trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, báo cáo UBND thành phố xem xét, chỉ đạo.

TP.HCM sẽ xây dựng 08 trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750 ha – Nguồn: UBND TP.HCM.

Kế hoạch phát triển ngành logistics trên địa bàn TP.HCM từ nay đến năm 2025 và định hướng 2030 đã được UBND TP.HCM ban hành với lộ trình triển khai cụ thể.

Theo đó, trong năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì thực hiện quy trình xây dựng trung tâm logistics đầu tiên.

Ban Quản lý Khu công nghệ cao cũng khởi công xây dựng hệ thống cảng cạn và trung tâm logistics tại Khu công nghệ cao thành phố vào năm 2024.

Đối với 07 trung tâm logistics khác, TP.HCM đã phân công cụ thể cho các địa phương để lập quy hoạch và triển khai thực hiện trong giai đoạn 2024-2025.

Cụ thể, trung tâm logistics Cát Lái, Long Bình và Linh Trung tại TP. Thủ Đức sẽ được các cơ quan địa phương lập quy hoạch phân khu. Trung tâm logistics Củ Chi tại huyện Củ Chi. Trung tâm logistics Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè. Trung tâm logistics Tân Kiên tại huyện Bình Chánh. Mỗi địa phương chịu trách nhiệm hoàn tất lập quy hoạch phân khu cho các trung tâm logistics này, đảm bảo tiến độ và chất lượng đề ra.

Sở Công Thương sẽ triển khai xây dựng bản đồ số logistics (GIS) để tạo cơ sở dữ liệu chính thức, hỗ trợ công tác thống kê, hoạch định và tối ưu hóa mạng lưới logistics.

Sở Giao thông Vận tải đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối từ năm 2024 đến năm 2030. Phát triển đồng bộ các tuyến đường bộ, đường thủy, đường hàng không và đường sắt gắn kết chặt chẽ với Đề án Phát triển Kết cấu Hạ tầng Giao thông trên địa bàn giai đoạn 2020-2030. Xây dựng kho dữ liệu tập trung để số hóa dữ liệu về hoạt động vận tải và logistics, góp phần tối ưu hóa quản lý và điều hành. 

Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ đề xuất bổ sung lĩnh vực logistics vào chương trình hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư, do Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước thành phố cho vay, thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội.

Cục Hải quan thành phố sẽ thực hiện Đề án “Tạo thuận lợi thương mại thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái”, nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc và nâng cao hiệu quả thông quan.

TP.HCM cũng sẽ hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng; phát triển chuỗi công nghiệp – đô thị Mộc Bài – TP.HCM – Cảng Cái Mép – Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á.

Source