Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, nhận xét trong giai đoạn qua, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam đã phát triển mạnh và tập trung ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ninh.
NHIỀU QUY ĐỊNH CHỒNG CHÉO
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2020, bất động sản nghỉ dưỡng có dấu hiệu chững lại, nguồn cung hạn chế, lượng giao dịch giảm sút, gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản nói chung và thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng.
Trong đó, quý 1/2024, số liệu từ các đơn vị cung cấp cho biết thị trường bất động sản ghi nhận 9.970 sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng mở bán. Nhưng hơn 97% là hàng tồn từ các dự án cũ. Toàn thị trường có 5 dự án mở bán mới, cung cấp ra 326 sản phẩm, giảm 64% so với quý trước và giảm 60% so với cùng kỳ 2023. Số lượng giao dịch thành công đạt 160 giao dịch, tương đương 2% trên nguồn cung sơ cấp…
Điều đó cho thấy phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn. Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do:
Thứ nhất, việc triển khai đầu tư dự án bất động sản còn vướng mắc, pháp lý thiếu đồng bộ, chồng chéo dẫn tới sự thận trọng khi ra quyết định đầu tư.
Thứ hai, thủ tục phức tạp, tốn nhiều thời gian. Việc chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh đầu tư ở một số dự án bị kéo dài, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tạo nguồn cung tương lai. Ngoài ra, liên quan đến xác định giá đất, quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất còn khó khăn trong đầu tư phát triển dự án. Các dự án bất động sản, nhất là dự án bất động sản nghỉ dưỡng từ những vùng đất hoang sơ để biến thành một dự án đẹp, cần đầu tư công sức, tuy nhiên những vùng này vẫn khó khăn về pháp lý.
Thứ ba, nguồn lực phát triển dự án tiếp tục hạn chế do chính sách quản lý chặt chẽ tín dụng, trái phiếu. Nhiều chủ đầu tư đánh giá thời gian qua, dù rất nỗ lực đưa ra các quy hoạch và thiết kế, cơ cấu sản phẩm, tiện ích trong khu nghỉ dưỡng để tạo thêm dịch vụ, nhưng hoạt động đầu tư khó khăn khiến dự án triển khai chậm, ảnh hưởng đến cam kết với khách hàng, dẫn tới tranh chấp, làm giảm niềm tin vào thị trường bất động sản.
Theo ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, thực tế dòng bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng ở nhiều nơi gặp những “điểm nghẽn” là bởi tư duy vẫn coi phân khúc này là xa xỉ, nên chưa được quan tâm quy hoạch, xây dựng và phát triển bài bản; chưa nhận được các chính sách hỗ trợ phát triển cụ thể, sự gắn kết giữa quy hoạch tỉnh với quy hoạch hệ thống du lịch, tầm nhìn đủ dài với thị trường bất động sản và các vấn đề về môi trường xã hội… nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững của bất động sản du lịch trong tương lai.
LUẬT MỚI THÔNG QUA LÀ KHUNG PHÁP LÝ QUAN TRỌNG
Trước thực tế đó, Thứ Trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, đôn đốc địa phương tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó có việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, nhà ở, thị trường bất động sản. Đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội và được thông qua 4 dự án luật quan trọng, gồm: Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023… với nhiều nội dung tháo gỡ.
“Dưới sự quyết liệt của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, kỳ vọng thời gian tới, sẽ có thêm những điểm thuận lợi, giúp triển khai phát triển dự án bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nói riêng”, Thứ trưởng Sinh bày tỏ.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho biết Chính phủ cũng có những chỉ đạo tới Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho thị trường bất động sản nói chung và thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng. Dựa trên các căn cứ, Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn, có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp.
Riêng về trái phiếu, Bộ Tài chính được yêu cầu sửa đổi và ban hành Nghị định 08/2023, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu thuận lợi, giúp đa dạng nguồn vốn phục vụ phát triển dự án bất động sản, đặc biệt là dự án bất động sản nghỉ dưỡng có sử dụng nguồn vốn lớn.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính quốc gia khuyến cáo bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu làm đa dạng nguồn vốn, sản phẩm; chủ động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh doanh tuần hoàn; thích ứng, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro; đồng thời sẵn sàng thực thi các luật mới sửa đổi.
Trong khi đó, ông Châu Ngô Anh Nhân nhìn nhận, để tháo gỡ khó khăn cho bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, vẫn cần thay đổi tư duy phát triển; có chính sách định hướng và lồng ghép tích hợp vào quy hoạch tỉnh phương án phát triển bất động sản du lịch, quy hoạch khác có liên quan, để đảm bảo sự phát triển lâu dài, bền vững; tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng; xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu thị trường bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nói riêng, vừa phục vụ quản lý, vừa thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực bất động sản.