Chủ Nhật, Tháng mười hai 22News That Matters

“Không một doanh nghiệp nào kinh doanh đầu tư có

Phát biểu tại hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới 2030: Góc nhìn từ xếp hạng tín nhiệm” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Moody’s Ratings và VIS Rating tổ chức, bà Thái Thị Quỳnh Như, Nghiên cứu viên cao cấp Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, đã nhấn mạnh như vậy khi đề cập đến các vấn đề liên quan đến trái phiếu nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Theo bà Như, điều kiện để phát hành trái phiếu ra thị trường có hai loại gồm trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo và một loại là có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo là cổ phiếu chiếm 38%, tài sản đảm bảo là bất động sản chiếm 30%, tài sản là một số dự án hình thành trong tương lai chiếm 32%.

Như vậy, bất động sản là tài sản đảm bảo chiếm vai trò hết sức quan trọng. Khi nhà đầu tư quyết định đầu tư thì họ sẽ nhìn nhận vào độ tin cậy của trái phiếu đó. Nếu có rủi ro thu hồi vốn và dòng tiền đầu tư thì trái phiếu không có đảm bảo sẽ rất khó thu hút bởi huy động vốn từ các cá nhân chiếm phần lớn so với doanh nghiệp. Với người dân, quyết định lấy tiền tiết kiệm mang đi đầu tư thì tài sản đảm bảo là rất quan trọng.

Với tài sản đảm bảo là bất động sản, một số doanh nghiệp đã xảy ra hoặc có xu hướng manh nha không có khả năng chi trả khi có rủi ro xảy ra. Ví dụ, một tập đoàn trước khi có biểu hiện nguy hiểm thì đều đưa ra lãi suất huy động trái phiếu cực kỳ cao, có thể lên tới 12%/năm hoặc hơn thế. “Tôi nghĩ không có một doanh nghiệp nào kinh doanh đầu tư có được lãi suất khủng như thế”, bà Như nói.

Như vậy, theo bà Như, nếu nói lấy lại niềm tin của nhà đầu tư thì quan trọng nhất làm sao vừa minh bạch thông tin, vừa đảm bảo thông tin chính xác tin cậy. Minh bạch nhưng không có độ đảm bảo mặt pháp lý thì khó. Tôi đề nghị cơ quan giám sát kỹ tính pháp lý tài sản đảm bảo trước khi mang ra huy động vốn, nhất là với tài sản đảm bảo bằng bất động sản”, bà Như kiến nghị.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 02/05/2024, có 13 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 13.940 tỷ đồng trong tháng 4/2024.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, có 31 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 29.050 tỷ đồng và 6 đợt phát hành ra công chúng trị giá 8.878 tỷ đồng. Trong số các đợt phát hành riêng lẻ, các trái phiếu đã được xếp hạng tín nhiệm chiếm 7,5% giá trị.

Trong tháng 4/2024, các doanh nghiệp đã mua lại 12.001 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 9 tháng còn lại của năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 183.484 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 73.784 tỷ đồng, tương đương 40,2%.

Về tình hình công bố thông tin bất thường, có 1 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi mới trong tháng với giá trị 47 tỷ đồng và 12 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc thời gian mua lại trái phiếu trước hạn.

Trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 4/2024 đạt 68,406 tỷ đồng, giảm 25% so với tháng 3/2024. Hầu hết các trái phiếu được giao dịch nhiều nhất đều do nhóm ngân hàng thương mại phát hành.

Source