Nhiều số liệu đã chỉ ra rằng với mức thu nhập trung bình – thấp thì người Việt phải tốn vài chục năm mới có thể mua nhà tại các thành phố lớn.
GIÁ NHÀ LEO THANG
Thị trường bất động sản Việt Nam đã bước vào quý 3/2024, các đơn vị tư vấn bất động sản ghi nhận giá căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP.HCM vẫn liên tục leo thang. Điều này khiến cho việc sở hữu nhà ở đối với đa số người dân ngày càng khó khăn, đặc biệt là lớp người trẻ.
Báo cáo mới nhất về thị trường bất động sản quý 3/2024 của CBRE Việt Nam cho thấy, giá bán căn hộ chung cư tại TP.HCM có giá sơ cấp đạt 66 triệu đồng/m2, tăng 4% theo quý và tăng gần 8% theo năm. Giá bán thứ cấp đạt bình quân 48 triệu đồng/m2, tăng 3% theo quý và tăng 5% theo năm.
Tại Hà Nội, theo Savills Việt Nam, kể từ năm 2020, giá bán thứ cấp căn hộ trung bình tại Hà Nội tăng 17%/năm, với hạng C tăng mạnh nhất đạt 20%/năm, tiếp đến là hạng A tăng 16%/năm và hạng B tăng 15%/năm. Giá căn hộ thứ cấp trung bình đạt 51 triệu đồng/m2, tăng 10% theo quý và 41% theo năm.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), với căn hộ bình dân có giá 02-03 tỷ đồng, người trẻ hoặc người có thu nhập trung bình – thấp, có tiền để dành được khoảng 100 triệu đồng/năm cũng phải mất khoảng 25 năm mới có thể mua được nhà ở thành phố.
Là nhân viên văn phòng tại một công ty ở TP.HCM, Thu Nga cho biết tổng thu nhập của mình hơn 10 triệu đồng/tháng. Tổng chi phí cho thuê nhà, ăn, đi lại… nếu tiết kiệm, dè sẻn mỗi tháng chỉ còn dư 03 triệu đồng. Với số tiền ít ỏi này Nga cho biết nếu không làm thêm hoặc được hỗ trợ từ phía gia đình thì không biết tích lũy bao nhiêu năm mới đủ tiền mua 01 căn hộ tại TP.HCM.
Ngoài ra, tình trạng hiện nay, với thế hệ gen Z (những người sinh từ 1997 – 2012) rơi vào tình trạng chưa biết tiết kiệm từ đâu khi chưa đến tháng đã hết tiền. Chi phí sinh hoạt nơi thành phố cũng chiếm gần hết thu nhập. Do đó, ước mơ sở hữu 01 căn nhà dường như ngày càng xa vời.
Nhiều số liệu đã chỉ ra rằng với mức thu nhập trung bình – thấp thì người Việt phải tốn vài chục năm mới có thể mua nhà tại các thành phố lớn. Do đó, để sở hữu nhà từ sớm là điều rất khó khăn với người trẻ. Lúc này, một bộ phận gen Z lựa chọn thuê nhà thay vì phải tích lũy vài chục năm hay phải gánh nợ ngân hàng.
Xét về mặt kinh tế, đây là một lựa chọn không hề thua kém việc tích lũy mua nhà. Nhưng cũng cần nói thêm rằng đây là bài toán cá nhân và mỗi người sẽ có lựa chọn phù hợp tùy theo mức thu nhập, hoàn cảnh và nhiều yếu tố khác.
ÁP LỰC MUA NHÀ
Theo Bloomberg, cách đây một thập kỷ, 01 cặp vợ chồng thuộc thế hệ Millennials (gen Y, những người sinh từ năm 1980 – 1996) có thể mua được một ngôi nhà và sống ở đó suốt đời.
Thế nhưng, giờ đây, thế hệ những người trẻ bước vào ngưỡng cửa cuộc đời như gen Z lại đang phải đối mặt với những rào cản to lớn, thậm chí bất khả thi trong việc tìm cho mình một chốn an cư để có thể làm điểm tựa an tâm phát triển sự nghiệp.
Ra khỏi thời kỳ đại dịch Covid-19, người trẻ tại nhiều quốc gia có thị trường bất động sản đô thị phát triển, phải chịu gấp 03 lần áp lực. Một là lạm phát cao, hai là lãi suất vay mua nhà tăng cao và ba là triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn.
Mặt khác, thu nhập bình quân lại không tỷ lệ thuận với giá nhà. Tại Singapore, một người đi làm thu nhập trung bình cần tiết kiệm khoảng 15,5 năm mới sở hữu được nhà. Người Indonesia cần tới 18,5 năm, thậm chí lâu hơn một chút. Tại Anh, cách đây 40 năm, bỏ ra khoảng 18.000 bảng là mua được một ngôi nhà tầm 75 m2, còn bây giờ, cũng 18.000 bảng, chỉ mua được khoảnh đất 05 m2.
Những yếu tố trên đang đẩy giấc mơ sở hữu nhà ra xa tầm tay với nhiều người trẻ gen Z mua nhà lần đầu.
Theo dữ liệu thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2024 từ Batdongsan.com.vn, ước tính, để mua căn hộ diện tích 50 m2 ở Hà Nội và TP.HCM, trung bình mỗi người dân Việt Nam cần dành khoảng 15-20 năm thu nhập (không ăn tiêu).
Tại buổi thảo luận “Đồng tiền đi liền kinh nghiệm” được tổ chức tại trường Đại học Kinh Tế – Luật (ĐHQG TP.HCM), các chuyên gia cho rằng người trẻ không cần quá ám ảnh về việc sở hữu nhà.
Theo ông Lê Bảo Long, Giám đốc Marketing của Batdongsan.com.vn, về bài toán tài chính, chưa chắc thuê nhà là phương án kém tối ưu hơn, có chăng chỉ là sự khác biệt về “khẩu vị” giữa các thế hệ. Nếu các thế hệ trước chuộng việc nắm giữ tài sản thì thế hệ trẻ ngày nay có xu hướng linh hoạt hơn. Họ có thể không đặt nặng chuyện mua mà chỉ thuê nhà và dùng một phần chi phí để phục vụ nhu cầu cuộc sống hoặc đầu tư.
Hiện nay, đa phần gen Y đang ở độ tuổi lập gia đình nên thường có tâm lý muốn sở hữu nhà cửa, xe cộ để ổn định và có cảm giác an toàn. Trong khi đó, phần lớn gen Z lại có lối sống và hành vi tiêu dùng linh hoạt hơn.
Thuê nhà phù hợp với khả năng tài chính trong giai đoạn trước mắt trước khi đủ điều kiện mua căn nhà phù hợp là một lựa chọn không hề tệ cho gen Z.
Ông Lê Bảo Long cũng lưu ý các bạn trẻ thuê nhà cần tìm hiểu k không bị “mắc bẫy” thuê với giá quá cao so với mặt bằng chung trong khu vực.
“Tài sản quan trọng và giá trị nhất của người trẻ không phải vật chất mà là tài sản vô hình, bao gồm: kiến thức, trí tuệ, mối quan hệ và sức khỏe”, ông Long nói.
Hiện nay, nhiều bạn trẻ dùng khoản tích lũy của mình lao vào các loại hình đầu tư tài chính. Tuy nhiên, các bạn cũng cần phải đầu tư vào bản thân để có một nền tảng ổn định. Vì việc đầu tư hiệu quả là phải đầu tư vào những gì mình hiểu, không nên làm chỉ vì người khác cũng như vậy.
Với những người trẻ, việc đầu tư vào bản thân ở thời điểm hiện tại vẫn được đặt ưu tiên lên trên hết so với những ước muốn “tiền đẻ ra tiền”. Khi bạn đã có một nơi ở đủ an toàn, yên tâm về mọi mặt, hãy tiếp tục học hỏi, trau dồi thêm các kinh nghiệm cho chính mình.