Chủ Nhật, Tháng mười hai 22News That Matters

Thách thức trong phát triển vật liệu xây dựng xanh

Bộ Xây dựng vừa tổ chức Hội thảo chuyên đề: “Thúc đẩy phát triển vật liệu xây dựng xanh: Giải pháp bền vững cho một tương lai xanh” (trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam).

VẬT LIỆU XANH ĐANG ĐỨNG TRƯỚC CƠ HỘI RỘNG MỞ 

Phát biểu tại sự kiện, KS. Lê Cao Chiến, Trung tâm Thiết bị, môi trường và an toàn lao động, Viện Vật liệu xây dựng, cho biết hiện nay, một số chủ đầu tư, nhà thầu, người tiêu dùng chưa thực sự nhận thức đầy đủ lợi ích cơ bản dài hạn của vật liệu xanh là giảm tiêu hao năng lượng, cải thiện chất lượng không khí trong nhà, hay giảm thiểu tác động đến môi trường… Trong khi, nguồn cung vật liệu xanh trong nước cũng hạn chế; hạ tầng chưa phát triển đủ, do đó, Việt Nam cần phải đầu tư nhiều hơn vào hạ tầng kỹ thuật, như các cơ sở tái chế và hệ thống quản lý chất thải xây dựng… để hỗ trợ cho sự phát triển của vật liệu tái chế và phân hủy sinh học.

Đồng quan điểm, TS. Đào Danh Tùng, Chuyên viên chính, Vụ Vật liệu xây dựng, đánh giá trong bối cảnh hiện nay, vật liệu xanh ngày càng thay thế dần cho vật liệu xây dựng truyền thống. Tại Việt Nam, vật liệu xanh đang đứng trước cơ hội phát triển rộng mở.

Theo đó, về hành lang pháp lý, Việt Nam đã ban hành một hệ thống các văn bản, như: Luật Bảo vệ môi trường với quy định về sản phẩm thân thiện với môi trường, mua sắm xanh và trái phiếu xanh; Quyết định số 889/QĐ-TTg năm 2020 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 – 2030; Quyết định 1658/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định 1052/QĐ-BXD năm 2022 về triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030; Quyết định số 1266/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050; Nghị định số 09/2021/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng…

Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, Việt Nam vẫn thiếu bộ tiêu chí nhãn xanh/nhãn sinh thái/vật liệu xanh, dẫn đến tồn tại không ít sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến người tiêu dùng. Ngoài ra, chưa có hệ thống định mức về sản xuất, sử dụng vật liệu xanh trong công trình xây dựng; cơ chế chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm vật liệu xây dựng được gắn nhãn xanh Việt Nam/vật liệu xanh và chất lượng còn hạn chế; nguồn nhân lực từ khâu sản xuất vật liệu xanh cho đến khâu tư vấn lập dự án, thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình sử dựng vật liệu xanh chưa đáp ứng được nhu cầu.

“Từ lợi ích mà vật liệu xanh đem lại, trong đó, đối với người tiêu dùng, vật liệu xanh giúp giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe do sử dụng những sản phẩm có chứa chất gây hại, đồng nghĩa làm giảm khả năng rủi ro bởi chi phí khám chữa bệnh. Với doanh nghiệp, hình ảnh doanh nghiệp được nâng cao khi tuân thủ quy định của pháp luật và thực hiện trách nhiệm xã hội, có lợi thế cạnh tranh khi cung cấp sản phẩm. Do đó, việc đưa ra giải pháp tháo g khó khăn nhằm phát triển vật liệu xanh tại Việt Nam rất quan trọng”, đại diện Vụ Vật liệu xây dựng khẳng định.

CẦN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐỂ PHÁT TRIỂN

Theo KS. Lê Cao Chiến, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách thúc đẩy phát triển công trình xanh và vật liệu xanh, như: chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Điều này giúp mở ra cơ hội cho doanh nghiệp cùng nhà đầu tư trong ngành vật liệu xây dựng xanh. Bên cạnh đó, thị trường quốc tế ngày càng yêu cầu về các sản phẩm và công trình đáp ứng tiêu chuẩn môi trường và bền vững, đang tạo cơ hội cho nhà sản xuất và doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường xuất khẩu với sản phẩm vật liệu xanh.

Đặc biệt, việc Việt Nam có nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, gồm gỗ, tre, rơm rạ nên có thể tận dụng phát triển loại vật liệu xanh và tái tạo. Các vật liệu gạch từ rơm, tre hay gỗ tự nhiên qua khảo sát có thể thay thế cho vật liệu xây dựng truyền thống. Hơn nữa, trước biến sự biến đổi của khí hậu, người tiêu dùng đang quan tâm hơn đến môi trường và chất lượng sống, vì vậy, sử dụng vật liệu xanh khi xây dựng nhà ở và công trình công cộng dự báo sẽ được ưa chuộng.

Song, ông Chiến cho rằng thời gian tới, để vật liệu xanh phổ biến và sử dụng rộng rãi cần xây dựng các bộ tiêu chí nhãn xanh/nhãn sinh thái/vật liệu xanh và không ngừng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức về sản xuất, sử dụng vật liệu xanh trong công trình xây dựng.

Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm vật liệu xây dựng được gắn nhãn xanh/nhãn sinh thái/vật liệu xanh; tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm soát chất lượng sản phẩm vật liệu xanh, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ khâu sản xuất vật liệu xanh cho đến khâu tư vấn lập dự án, thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình sử dựng vật liệu xanh.

Mặt khác, tăng cường hợp tác quốc tế, nhìn ra các nước phát triển, học tập kinh nghiệm sản xuất, sử dụng vật liệu xanh cũng là những việc cần làm sâu sắc hơn nữa, để nâng cao tỷ lệ sản xuất và sử dụng vật liệu xanh ở nước ta; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dung đối với việc sử dụng vật liệu xanh.

“Xu hướng công trình xanh cùng với vật liệu xanh thay thế cho vật liệu xây dựng truyền thống đang phát triển mạnh mẽ, vừa tạo ra cơ hội lớn cho các đơn vị của ngành sản xuất vật liệu xây dựng, nhưng cũng đặt ra yêu cầu phải không ngừng đổi mới, sáng tạo để cho ra mắt những sản phẩm vật liệu xây dựng mới, bền vững, xanh và thân thiện môi trường. Việt Nam là nước đang trong quá trình phát triển nhanh nên nhu cầu cho thị trường xây dựng khá cao. Vì vậy, còn rất nhiều tiềm năng phát triển vật liệu xanh nói chung”, TS. Đào Danh Tùng nhận định.

Source