Theo báo cáo “Cam Kết ESG– Định hình tương lai bền vững” mới đây của Cushman & Wakefield, trước những tác động của biến đổi khí hậu tiếp tục leo thang, các nhà đầu tư, cơ quan quản lý và người dùng bất động sản tại Việt Nam cũng như toàn thế giới đang ngày càng quan tâm đến các loại hình tài sản bền vững và hạn chế tác động đến môi trường.
NHÀ ĐẦU TƯ SẼ KHÔNG THAM GIA VÀO NHỮNG DỰ ÁN CHƯA CÓ CAM KẾT VÀ KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ESG
Báo cáo của Cushman & Wakefield chỉ ra rằng số lượng các công ty cam kết giảm phát thải carbon đã tăng lên đáng kể trong vài năm qua.
Trong khi đó, báo cáo Net Zero Tracker, nhóm cung cấp dữ liệu độc lập chuyên quan sát tiến độ thực hiện cam kết môi trường của các doanh nghiệp, cũng chỉ rõ một nửa trong số hơn 2.000 công ty niêm yết công khai lớn nhất thế giới đều cam kết đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Dựa trên ước tính của Cushman & Wakefield, đến năm 2050 sẽ có 6,6 tỷ mét vuông bất động sản thương mại trên 143 quốc gia. Chi phí để khử carbon trên thị trường bất động sản toàn cầu ước tính vào khoảng 18 nghìn tỷ USD. Hầu hết các tổ chức đang nỗ lực để đạt mục tiêu giảm lượng khí thải, sử dụng các nguồn năng lượng sạch và bù đắp mọi lượng khí thải còn lại.
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng đón nhận nhiều nguồn vốn từ nước ngoài, các từ khóa “trung hòa carbon”, “Net Zero”, “ESG” và “bền vững” ngày càng trở nên phổ biến tại thị trường bất động sản.
Đối với các công ty đặt mục tiêu trung hòa carbon đến năm 2030 đã bắt đầu nhận ra rằng chỉ còn vài năm nữa là đến thời hạn.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải tăng gấp đôi hoặc gấp ba nỗ lực khi thời hạn mục tiêu đến gần, gây áp lực lên nhiều nhà phát triển và chủ sở hữu bất động sản trong việc áp dụng các nguyên tắc ESG để thu hút vốn đầu tư trên toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư cũng sẽ không tham gia vào những dự án chưa có cam kết và kế hoạch thực hiện ESG.
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng đón nhận nhiều nguồn vốn từ nước ngoài, các từ khóa “trung hòa carbon”, “Net Zero”, “ESG” và “bền vững” ngày càng trở nên phổ biến tại thị trường bất động sản.
Thống kê cho thấy hiện có khoảng gần 430 công trình xanh được đánh giá, chứng nhận bởi các hệ thống, tiêu chuẩn của LOTUS (VGBC), EDGE (IFC-WB), LEED (Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore) với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 10 triệu m2.
Tuy nhiên, con số công trình xanh còn khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Đáng chú ý, Việt Nam chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0.
Do đó, việc tăng cường chứng nhận xanh không chỉ là bước đi tích cực hướng tới môi trường bền vững mà còn là cơ hội để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng.
QUY HOẠCH ĐÔ THỊ, TÀI SẢN CÔNG NGHIỆP TIÊN PHONG ÁP DỤNG ESG
Theo báo cáo của Cushman & Wakefield, để đạt được những mục tiêu về phát triển bền vững, trước hết, việc phát triển hệ sinh thái đô thị bao gồm tòa nhà, cảnh quan, tài nguyên, cơ sở hạ tầng, con người, không khí… theo tiêu chuẩn ESG chính là trọng tâm của quy hoạch đô thị.
Mặc dù một số ý kiến cho rằng việc quan tâm tới môi trường nhiều hơn có thể gây ra hạn chế đối với tốc độ phát triển, nhưng việc xây dựng đô thị đúng hướng chính là một sự đánh đổi xứng đáng. Điều này cũng tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà phát triển, chủ sở hữu, người dân, ban bộ chiến lược phát huy sức sáng tạo để tạo nên một đô thị đáng sống.
Ảnh minh họa
Singapore là một ví dụ điển hình cho việc quy hoạch bền vững hiệu quả. Từ năm 2005, chính phủ nước này đã đưa ra mục tiêu và hệ thống chấm điểm Green Mark cho tất cả các dự án bất động sản.
Bên cạnh đó, họ cũng đưa ra chính sách hỗ trợ chi phí cho các doanh nghiệp tham gia cam kết giảm thiểu khí thải và tác động tiêu cực đến môi trường. Cam kết bền vững của Singapore đã mang đến kết quả ngoạn mục, với hơn 49% các tòa nhà ở nước này đạt được chuẩn “xanh” của chính phủ.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi một tổ chức áp dụng các nguyên tắc ESG vào dự án của mình, họ sẽ nhận được sự công nhận thương hiệu lớn hơn, thu hút khách hàng và nhân viên, từ đó có được lợi thế cạnh tranh.
Đặc biệt việc giảm chất thải và ô nhiễm dẫn đến rủi ro trách nhiệm pháp lý về môi trường thấp hơn. Các tòa nhà có khả năng phục hồi tốt hơn trước các mối đe dọa của khí hậu và thời tiết cũng có thể giảm chi phí bảo trì, sửa chữa và bảo hiểm trong dài hạn…
Bên cạnh đó, thời gian qua, nhu cầu xanh cho các tài sản công nghiệp tại Việt Nam như đất, nhà xưởng và kho bãi cũng tăng phi mã, chủ yếu đến từ lĩnh vực sản xuất, thương mại điện tử, 3PL và bán l.
Đây vốn là lĩnh vực có tác động lớn về môi trường. Vì vậy, nhà đầu tư công nghiệp càng phải chú trọng đến việc quy hoạch khu công nghiệp để có thể giảm thiểu khí thải, đảm bảo môi trường làm việc tốt và gìn giữ môi trường sống cho cư dân địa phương xung quanh.
Tăng trưởng xanh trong các ngành công nghiệp cũng sẽ góp phần nâng cấp và hợp lý hóa chuỗi giá trị, giúp tăng cường khả năng phục hồi, chống sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Nhìn chung, những chứng nhận kể trên vẫn nghiêng nhiều về yếu tố E– môi trường trong cả cụm ESG. Mục tiêu chính của bất động sản chính là phục vụ con người và cộng đồng. Đây là lý do vì sao các nhà đầu tư càng cần quan tâm hơn hết đến yếu tố S- xã hội và G- quản trị.
Để đạt được cả hai yếu tố, nhà đầu tư bất động sản phải có các sáng kiến tác động đến cộng đồng trong tòa nhà như không gian cây xanh, công viên, hoặc thư viện. Không chỉ đặt ra và xây dựng tòa nhà theo quy chuẩn, nhà vận hành bất động sản còn cần chú ý đến khâu quản trị và quản lý dài hạn trong xây dựng và bảo trì các tòa nhà, tôn trọng đạo đức kinh doanh và tầm nhìn kinh doanh.
Các tòa nhà xanh sẽ hưởng lợi từ việc gia tăng giá trị trong dài hạn, dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh, một số dự án văn phòng còn có khả năng đạt mức giá thuê cao hơn từ 2-8% so với các tòa nhà còn lại.
THIẾT LẬP MỤC TIÊU ESG NGAY TỪ BÂY GIỜ
Bất kể doanh nghiệp bất động sản đang ở đâu trong hành trình ESG thì đây là thời điểm tuyệt vời để học hỏi mọi tiêu chuẩn liên quan đến carbon và khí nhà kính. Đối với các dự án trong tương lai, cần phải thiết lập mục tiêu ESG ngay từ bây giờ, báo cáo khẳng định.
Vì vậy, doanh nghiệp cần đánh giá hiện trạng, lập kế hoạch chi tiết, đào tạo và nâng cao nhận thức, áp dụng công nghệ và giải pháp sáng tạo, cũng như đo lường và báo cáo kết quả thực hiện ESG.
Đối với các dự án bất động sản đang hiện hữu sẽ là bài toán khó hơn các dự án mới. Việc “tân trang” lại các tòa nhà cũ sẽ là cách ít tốn kém nhất, đồng thời giúp dự án hoạt động thông minh và hiệu quả hơn. Doanh nghiệp cần tiến tới tiêu chuẩn phát triển bền vững SBTi và tìm kiếm chuyên gia để thực hiện ESG cho bất động sản.
Đây là thời điểm tuyệt vời để học hỏi mọi tiêu chuẩn liên quan đến carbon và khí nhà kính. Với các dự án trong tương lai, cần phải thiết lập mục tiêu ESG ngay từ bây giờ.
Về mặt lý thuyết và ý tưởng, để đạt được các tiêu chí mà thang đánh giá ESG đặt ra không khó, bởi lẽ tỷ lệ chênh lệch giá thành xây dựng tòa nhà xanh so sánh với tòa nhà thông thường không quá lớn.
Trên thực tế, trở ngại lớn nhất vẫn là thời gian để thiết lập một bản thiết kế đạt chuẩn ESG ngay từ đầu và những nỗ lực mà doanh nghiệp phải theo đuổi để xây dựng dự án đúng chuẩn. Nhưng về dài hạn, các tòa nhà xanh có thể được xem như khoản đầu tư cho tương lai khi nhà phát triển và điều hành bất động sản thấy được lợi ích về tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và chi phí nâng cấp sửa chữa.
ESG không chỉ là một xu hướng mà còn là định hướng cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam.
Trong hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Điều này cho thấy Chính phủ và các doanh nghiệp đều đang nỗ lực thay đổi cảnh quan đô thị bằng việc kết hợp công nghệ và đào tạo nhân lực nhằm cải thiện môi trường sống.
“Điều quan trọng hiện nay là nâng cao nhận thức về lợi ích của ESG, để tất cả các bên tham gia trên thị trường phải cùng nhau chung sức. Chỉ bằng cách hợp tác và cùng nhau đầu tư nguồn lực, tất cả các bên mới có thể mở khóa được lợi ích chung. Bất kỳ bên nào cũng có thể khởi xướng và dẫn dắt chủ để về ESG trong mọi giai đoạn phát triển của thị trường bất động sản tại Việt Nam”, báo cáo nêu rõ.