Chủ Nhật, Tháng mười một 10News That Matters

Bộ sung và điều chỉnh nhiều tuyến cao tốc vào

Cùng với 6 tuyến nói trên, dự thảo điều chỉnh quy hoạch cũng đẩy nhanh tiến trình đầu tư của nhiều dự án cao tốc khác đến trước năm 2030.

Hai tuyến cao tốc mới được bổ sung vào quy hoạch là cao tốc Cà Mau – Đất Mũi (đoạn nối dài cao tốc Cần Thơ – Cà Mau thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía đông), chiều dài khoảng 90 km, quy mô 4 làn xe; và cao tốc Quảng Ngãi – Kon Tum nối duyên hải Miền Trung lên Tây Nguyên, chiều dài 136 km, quy mô 4 làn xe. Cả hai tuyến cao tốc này có tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Bốn tuyến cao tốc được điều chỉnh quy mô, gồm: Tuyến Pháp Vân – Phú Thứ từ 8 làn lên 10 – 12 làn xe; cao tốc Bến Lức – Trung Lương từ 6 làn lên 10 – 12 làn xe; tuyến Cần Thơ – Cà Mau (tất cả thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía đông); và cao tốc Nội Bài – Bắc Ninh – Hạ Long từ 4 làn xe lên 6 làn xe.

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, việc điều chỉnh quy mô 4 tuyến này trên cơ sở cập nhật Quy hoạch tổng thể Quốc gia về tốc độ tăng trưởng GDP, nhu cầu vận tải tăng; định hướng phát triển vùng, ưu tiên xây dựng các tuyến cao tốc kết nối Hà Nội, TP.HCM, thành phố Cần Thơ với các địa phương trong và ngoài vùng; cập nhật định hướng Hà Nội, TP.HCM, thành phố Cần Thơ là các cực tăng trưởng vùng động lực phía Bắc, phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long.

Các tuyến cao tốc được điều chỉnh phạm vi gồm tuyến Ninh Bình – Hải Phòng, tuyến Cam Lộ – Lao Bảo, tuyến Qui Nhơn – Pleiku và tuyến TP.HCM – Mộc Bài. Cụ thể, tuyến Ninh Bình – Hải Phòng được điều chỉnh có điểm đầu từ thành phố Ninh Bình thành huyện Yên Mô (nằm về phía nam thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình), chiều dài sau khi điều chỉnh khoảng 117 km. Tuyến Cam Lộ – Lao Bảo được điều chỉnh điểm đầu từ thành phố Đông Hà thành huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị), chiều dài tuyến sau khi điều chỉnh khoảng 56 km. Tuyến Qui Nhơn – Pleiku điều chỉnh điểm đầu từ cảng Nhơn Hội thành thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định), chiều dài tuyến sau khi điều chỉnh khoảng 123 km. Tuyến TP.HCM – Mộc Bài được điều chỉnh điểm cuối từ cửa khẩu Mộc Bài thành huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh).

Với sự điều chỉnh và bổ sung các tuyến cao tốc nói trên, mạng lưới đường bộ cao tốc theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệtsẽ tăng từ 41 tuyến với tổng chiều dài khoảng 9.014 km lên 43 tuyến với tổng chiều dài khoảng 9.234 km. Trong đó, khu vực phía Bắc gồm 14 tuyến với chiều dài khoảng 2.305 km được nâng lên khoảng 2.313 km; khu vực Miền Trung và Tây Nguyên gồm 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.431 km được tăng lên thành 11 tuyến với chiều dài khoảng 1.496 km; và khu vực phía Nam, gồm 10 tuyến có chiều dài khoảng 1.290 km được nâng lên thành 11 tuyến, chiều dài khoảng 1.380 km.

Riêng tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông từ cửa khẩu Hữu Nghị (Cao Lộc, Lạng Sơn) đến thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau), chiều dài khoảng 2.063 km, quy mô từ 4 đến 10 làn xe vẫn giữ nguyên về chiều dài, nhưng quy mô được nâng lên từ 6 – 12 làn xe.

Ngoài ra, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đề xuất điều chỉnh tiến trình đầu tư một số đoạn tuyến cao tốc cao tốc Bắc Nam phía tây đoạn Ngọc Hồi – Gia Nghĩa trước năm 2030 về sau năm 2030. Các tuyến cao tốc điều chỉnh tiến trình đầu tư sau năm 2030 thành trước năm 2030, bao gồm: Sơn La – Điện Biên, Bắc Kạn – Cao Bằng, Tuyên Quang – Hà Giang, Quy Nhơn – Pleiku – Lệ Thanh đoạn Qui Nhơn – Pleiku, Gò Dầu – Xa Mát, Hồng Ngự (Đồng Tháp) – Trà Vinh đoạn cửa khẩu Dinh Bà (Đồng Tháp) – Cao Lãnh và đoạn An Hữu (Tiền Giang) – Trà Vinh.

Giải thích lý do có sự điều chỉnh này, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Ngày 01/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1454/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau đó, Bộ Chính trị thông qua 9 nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng kinh tế xã hội và các địa phương; Quốc hội thông qua Nghị quyết số 81/2023/NQ-QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh/thành phố đã tác động đến quy hoạch mạng lưới đường bộ. Các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý này dẫn đến cần thiết phải điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường bộ.

Source