Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản trả lời kiến nghị cử tri thành phố Cần Thơ, do Ban Dân nguyện Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 499/BDN ngày 14/6/2024 về việc đầu tư mở rộng đường Nguyễn Văn Linh (quốc lộ 91B qua địa bàn thành phố Cần Thơ).
Cụ thể, cử tri thành phố Cần Thơ kiến nghị sớm thực hiện đầu tư mở rộng đường Nguyễn Văn Linh (tuyến quốc lộ 91B qua địa bàn thành phố Cần Thơ) vì hiện nay tuyến đường này quá hẹp so với lưu lượng xe lưu thông, nhất là giờ cao điểm dễ gây ùn tắc, mất an toàn giao thông.
Trả lời cử tri Cần Thơ, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến quốc lộ 91B có điểm đầu tại quốc lộ 91 (quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ) và điểm cuối kết nối với quốc lộ 1 tại thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) với chiều dài tuyến khoảng 162 km; quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật là đường cấp III, 2 – 4 làn xe. Hiện nay, tuyến quốc lộ 91B đoạn qua địa bàn thành phố Cần Thơ dài khoảng 24 km đã được đầu tư đạt tiêu chuẩn đường cấp III, quy mô 2 – 6 làn xe phù hợp với quy hoạch.
Vẫn theo Bộ Giao thông vận tải, tuyến quốc lộ 91B qua địa bàn thành phố Cần Thơ gồm hai đoạn:
Đoạn đi trùng đường Nguyễn Văn Linh dài khoảng 15,8 km, qua địa bàn các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, được đầu tư trong dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 91 theo hình thức BOT, đã đưa vào khai thác năm 2016; quy mô dự án: từ 2 – 4 làn xe, Bnền = 12-29 m, Bmặt = 11-23,5 m.
Đoạn trước đây là đường Nam Sông Hậu, dài khoảng 8,6 km đã được đầu tư đạt quy mô từ 4 – 6 làn xe, Bnền = 24 – 33 m, Bmặt = 18 – 27 m. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề xuất dự án nâng cấp, cải tạo ba tuyến quốc lộ (53, 62, 91B) tại đồng bằng sông Cửu Long, trong đó giữ nguyên quy mô đầu tư trên quốc lộ 91B, chỉ thảm tăng cường mặt đường; và hiện Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư ba tuyến quốc lộ này. Sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, Bộ sẽ tập trung triển khai các bước tiếp theo để sớm đầu tư đoạn tuyến quốc lộ 91B trong dự án.
Ba tuyến quốc lộ 53, 62 và 91B qua các tỉnh ĐBSCL đã được Bộ Giao thông vận tải trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư nâng cấp cải tạo, sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Ảnh: Văn Thuận.
Với kiến nghị đầu tư mở rộng tuyến quốc lộ 91B qua địa bàn thành phố Cần Thơ, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết thống nhất với ý kiến của cử tri nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải, tạo điều kiện phát triển đô thị; tuy nhiên, đường Nguyễn Văn Linh mới được Bộ Giao thông vận tải đầu tư nâng cấp mở rộng và phù hợp với quy hoạch của tuyến quốc lộ 91B.
Vì vậy, Bộ đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu quy định tại khoản 3 mục III của Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó quy định rõ: “Các đoạn tuyến đi qua khu vực quy hoạch tỉnh có quy mô lớn hơn, để bảo đảm tính đồng bộ giữa các quy hoạch, nguồn vốn ngân sách trung ương đầu tư theo quy hoạch này, nguồn vốn ngân sách địa phương đầu tư phần mở rộng theo quy hoạch của địa phương”. Từ đó địa phương cần chủ động cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư mở rộng tuyến đường. Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với thành phố Cần Thơ trong quá trình triển khai thực hiện.
Ba tuyến quốc lộ 53, 62 và 91B đi qua địa phận các tỉnh Long An, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu đã được Bộ Giao thông vận tải trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư nâng cấp cải tạo.
Đây là loạt dự án sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) với thời gian đầu tư là 4 năm (2024 – 2027) kể từ ngày hiệp định ký kết giữa WB và Chính phủ Việt Nam có hiệu lực.
Tổng mức đầu tư dự án gần 9.300 tỷ đồng, tương đương khoảng 340 triệu USD; trong đó, vốn vay của WB là 263 triệu USD (tương đương gần 6.300 tỷ đồng) và vốn đối ứng phía Việt Nam 121 triệu USD (gần 2.900 tỷ đồng).