Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023- 2025 đối với 21 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Hưng Yên, Thanh Hóa, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Hải Dương, Kiên Giang, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Long An, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Thái Nguyên và Yên Bái.
Nghị quyết của Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thanh Hóa và Bà Rịa- Vũng Tàu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025; còn các Nghị quyết khác có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2024.
Theo đó, kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành, thành phố Đà Nẵng có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 6 quận và 2 huyện; 47 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 36 phường và 11 xã.
Sau khi sắp xếp, Quận Liên Chiểu có 5 phường, gồm: Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam, Hòa Minh. Quận Thanh Khê có 6 phường, gồm: An Khê, Chính Gián, Thạc Gián, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây, Xuân Hà; Quận Hải Châu có 9 phường; quận Sơn Trà có 6 phường
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành, nhất trí thông qua các Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 của 21 tỉnh, thành phố.
Với Tp.Hải Phòng, từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, thành phố có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 8 quận, 6 huyện và 1 thành phố; 167 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 79 phường, 07 thị trấn và 81 xã.
Đáng chú ý, theo Nghị quyết số 1232/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ thành lập Tp.Thủy Nguyên trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 269,10 km2 và quy mô dân số của huyện Thủy Nguyên sau điều chỉnh.
Sau sắp xếp, Tp.Thủy Nguyên có 21 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 17 phường: An Lư, Dương Quan, Hoa Động, Hòa Bình, Hoàng Lâm, Lập Lễ, Lê Hồng Phong, Lưu Kiếm, Minh Đức, Nam Triệu Giang, Phạm Ngũ Lão, Quảng Thanh, Tam Hưng, Thiên Hương, Thủy Đường, Thủy Hà, Trần Hưng Đạo và 04 xã: Bạch Đằng, Liên Xuân, Ninh Sơn, Quang Trung.
Với Thanh Hóa, từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực, tỉnh có 26 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 22 huyện, 2 thị xã và 2 thành phố; 547 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 452 xã, 63 phường và 32 thị trấn.
Còn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu sau sắp xếp có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 4 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố; 77 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 42 xã, 28 phường và 7 thị trấn. Thành lập huyện Long Đất trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ.
Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành (1/12/2024), tỉnh Lâm Đồng có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 8 huyện và 2 thành phố; 137 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 106 xã, 18 phường và 13 thị trấn. Theo Nghị quyết, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Cát Tiên và huyện Đạ Tẻh vào huyện Đạ Huoai.
Tỉnh Quảng Nam có 17 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 14 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố; 233 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 190 xã, 29 phường và 14 thị trấn. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Nông Sơn vào huyện Quế Sơn.
Theo Nghị quyết, Lâm Đồng sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Cát Tiên và huyện Đạ Tẻh vào huyện Đạ Huoai. Ảnh minh họa.
Trước đó, tại cuộc họp cho ý kiến về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 của 21 tỉnh, Thành phố, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trên cơ sở đề nghị của UBND 21 tỉnh, thành phố và của Bộ Nội vụ, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp, thành lập đối với 18 đơn vị hành chính cấp huyện và 487 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 12 đơn vị hành chính cấp huyện và 254 đơn vị hành chính cấp xã mới của 21 tỉnh, thành phố trên.
Sau sắp xếp, giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 233 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, có 5 tỉnh, thành phố (Long An, Quảng Nam, Thanh Hóa, Kiên Giang, Hải Phòng) đề nghị không thực hiện sắp xếp 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 17 tỉnh, thành phố còn lại đề nghị không thực hiện sắp xếp 221 đơn vị hành chính cấp xã.
Về tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp, thành lập, có 10/12 đơn vị hành chính cấp huyện mới hình thành sau sắp xếp đều đạt cả 2 tiêu chuẩn; 2/12 chưa đạt tiêu chuẩn diện tích tự nhiên. Có 92/254 đơn vị hành chính cấp xã đạt cả 2 tiêu chuẩn; 162/254 đơn vị chưa đạt 1 trong 2 tiêu chuẩn, trong đó có 1 đơn vị chưa đạt cả 2 tiêu chuẩn.
Theo kết hoạch, sẽ có 525 người dôi dư ở cấp huyện; 5.917 người dôi dư cấp xã; UBND 21 tỉnh, thành phố đã xây dựng phương án chi tiết để bố trí, sắp xếp và giải quyết đối với số cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư theo đúng quy định. Sẽ có 63 trụ sở cấp huyện dôi dư; 387 trụ sở cấp xã dôi dư.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua phương án sắp xếp với 3 đơn vị hành chính cấp huyện và 104 đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp mà vẫn chưa bảo đảm tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số nhưng do có yếu tố đặc thù nên không thể tiếp tục sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề.
Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua 37 Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 37 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2023- 2025 (chưa bao gồm việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành về nguyên tắc nhưng chưa ban hành Nghị quyết).
Qua đó, đã thực hiện sắp xếp với 25 đơn vị hành chính cấp huyện, 756 đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn 2023- 2025; giảm được 7 đơn vị hành chính cấp huyện, 373 đơn vị hành chính cấp xã.