Tiếp tục thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đánh giá cao báo cáo kết quả giám sát.
CÓ VIỆC “LÁCH LUẬT” MUA ĐI BÁN LẠI NHÀ Ở XÃ HỘI
Đồng tình với kết quả giám sát được nêu trong báo cáo, tuy nhiên đại biểu bổ sung vấn đề quan trọng trong phát triển nhà ở xã hội thời gian qua, đó là đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội có khi “chưa đúng, không đúng”.
“Có thực trạng đã và đang xảy ra hiện nay là có người sở hữu nhà ở xã hội không phải là người được hưởng chính sách ưu đãi này, không là hộ nghèo, hộ cận nghèo hay là thu nhập thấp như trong quy định”, bà Nga nêu.
Mặc dù trang 71 Báo cáo đầy đủ giám sát chỉ rõ, qua báo cáo của các địa phương cho thấy cơ bản các sở, ban, ngành tuân thủ quy định của pháp luật khi xét duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương: “Nếu có cuộc thanh tra kiểm tra xem ai là người đang ở nhà ở xã hội thì chắc rằng sẽ có những người không thuộc đối tượng được ưu đãi”.
“Nhưng thậm chí, tôi nhận thấy có những dự án nhà ở xã hội chưa nghiệm thu nhưng việc rao bán đã xuất hiện trên mạng xã hội như zalo, facebook. Nếu có cuộc thanh tra kiểm tra xem ai là người đang ở nhà ở xã hội thì chắc rằng sẽ có những người không thuộc đối tượng được ưu đãi”, bà Nga cho hay.
Theo đại biểu, thực trạng này có nhiều nguyên do như: Sai sót trong xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội, có việc “lách luật” mua đi bán lại nhà ở xã hội. Điều này đã dẫn đến hệ lụy người có thu nhập thấp càng khó tiếp cận nhà ở xã hội hơn. Do đó, đại biểu mong muốn đoàn giám sát xem xét vấn đề này và có những kiến nghị cụ thể.
Trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành địa phương ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm cục bộ trong thi hành luật về quản lý thị trường bất động sản về nhà ở xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về chất lượng nhà ở xã hội.
Đại biểu đề nghị bổ sung một nội dung là tăng cường kiểm tra đối tượng sở hữu nhà ở xã hội và quy trình, thủ tục xét duyệt hồ sơ mua, thuê mua nhà ở xã hội để có thể phát hiện và xử lý các sai phạm có liên quan.
CẦN GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ ĐỂ ĐẨY NHANH NHÀ Ở XÃ HỘI
Cùng quan điểm với các ý kiến, đại biểu đoàn Hải Dương cho rằng Quốc hội sẽ thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi) vào kỳ họp 8. Đại biểu đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm triển khai có hiệu quả các dự án xây nhà ở xã hội cho công nhân lao động, đặc biệt ở các vùng tập trung đông khu công nghiệp, cụm công nghiệp có nhu cầu bức thiết về nhà ở dành cho công nhân.
Thêm nữa, do giá bán nhà ở xã hội vẫn còn khá cao so với thu nhập của những người dân là đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội nên trong thời gian ti tôi trân trọng đề nghị các địa phương đặc biệt chú ý phát triển loại hình nhà ở xã hội cho thuê để người dân có thể tiếp cận được dễ dàng hơn.
Cùng quan tâm vấn đề phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Mai Văn Hải, đoàn Thanh Hóa, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn trong thực hiện các chính sách pháp luật về nhà ở xã hội trong lĩnh vực đầu tư đất đai, quy hoạch, sửa đổi các chính sách thu hút để thu hút các nhà đầu tư, giúp cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động có nhu cầu nhà ở xã hội được tiếp cận tốt hơn với chính sách.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện ưu tiên để bố trí quỹ đất cho nhu cầu nhà ở xã hội, trong đó chú trọng đối với bố trí các dự án nhà ở độc lập, nhất là ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp.
Đại biểu Tạ Minh Tâm, đoàn Tiền Giang, phát biểu ý kiến.
Đồng thời, phải thực hiện bố trí ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương thỏa đáng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, hoàn thiện các cơ thế chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội cho công nhân ở các khu công nghiệp để giải quyết nhu cầu nhà ở của công nhân lao động. Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để các nhà đầu tư, người có thu nhập thấp, công nhân lao động được tiếp cận với vốn vay để đầu tư cũng như là mua nhà ở xã hội.
Băn khoăn trước tình trạng nhiều mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chưa đạt được, đại biểu Tạ Minh Tâm, đoàn Tiền Giang, cho rằng nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, giá bán cao, các quy định về điều kiện để tiếp cận chính sách đối với người dân còn phức tạp. Mức thu nhập bình quân đầu người của người dân còn thấp so với khả năng chi trả cho nhà ở.
Qua triển khai 3 hình thức phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2014, kết quả cho thấy đa số các dự án nhà ở xã hội đều được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn doanh nghiệp, hợp tác xã. Một số địa phương đã dành vốn Nhà nước, gốm vốn ngân sách và vốn Nhà nước ngoài ngân sách vào phát triển nhà ở xã hội.
Đối với hình thức phát triển nhà ở xã hội bằng nguồn vốn cá nhân, hộ gia đình, giai đoạn 2015-2023 chưa có loại hình này, chủ yếu phát triển nhà trọ với số lượng lớn. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chưa quan tâm nhiều đến việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp đó thuê với giá ưu đãi. Ví dụ tại báo cáo chung thể hiện đối với 4 tỉnh phía Nam (Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh) có trên dưới 214.000 khu nhà trọ do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng cho thuê…
Từ thực tế nêu trên, đại biểu kiến nghị bên cạnh việc khẩn trương rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý ổn định, xác đáng, hiệu lực, hiệu quả trong khai thác tối đa các nguồn lực, phát huy đầy đủ 6 hình thức phát triển nhà ở xã hội quy định tại Điều 80 Luật Nhà ở hiện hành, cần sớm có giải pháp đồng bộ khắc phục các nguyên nhân chủ quan dẫn đến các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra. Cần nghiên cứu giải pháp thúc đẩy thực hiện hình thức nhà ở xã hội do cá nhân xây dựng, cho thuê.
Chú trọng biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ, chuyển hóa, nâng cấp các loại hình xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê, nhất là các khu trọ hiện hữu đang đáp ứng nhu cầu lưu trú của một số đông công nhân, người lao động, nhưng được các cơ quan chức năng đánh giá là chưa đảm bảo tiêu chuẩn xây dựng, chưa đảm bảo an toàn, điều kiện sinh sống.
Đại biểu Tâm cũng đề nghị cần tăng cường công tác kiểm soát giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng không bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nhà ở xã hội.
THÀNH LẬP QUỸ TÍN DỤNG PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI
Đối tượng cần mua nhà ở xã hội là những người không có nhiều tiền, thu nhập chỉ đủ để trang trải cuộc sống, không có tiền tích lũy để trả tiền mua nhà, thậm chí là không đủ tiền tích lũy để trả tiền lãi vay ngân hàng nếu như được vay để mua nhà. Vậy, làm sao người ta có thể đủ tiền để mua nhà?
Đặt vấn đề, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội, nêu thực tế trong nhiều năm qua, những người thu nhập thấp mà được mua nhà, sau 5 năm được phép bán thì một số đã bán để trang trải nợ và làm việc khác.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội, phát biểu ý kiến thảo luận.
“Do vậy, để người thu nhập thấp có chỗ ở, cần phải tăng phân khúc nhà ở cho thuê đối với người thu nhập thấp và người có thu nhập thấp có thể thuê nhà ở này suốt đời, khi tích lũy đủ tiền sẽ dùng tiền chuyển sang mua nhà ở thương mại và dành quỹ nhà đó cho những người thu nhập khác vào thuê”, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị.
Cũng theo đại biểu, khi phát triển nhà ở cho thuê thì chúng ta không thể dựa vào doanh nghiệp. Bởi vì đầu tư nhà ở cho thuê là bỏ tiền cục và thu tiền lẻ, thậm chí tiền lẻ này không đủ để bảo dưỡng, vận hành nhà đó. Vì thế, chúng ta không thể trông chờ doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở cho thuê mà cần phải có một quỹ dành riêng cho đầu tư phát triển nhà ở cho thuê.
Do vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đồng tình với việc phải hình thành quỹ đầu tư phát triển nhà ở xã hội lấy từ thu 20% tiền sử dụng đất nhà ở xã hội của các dự án nhà ở thương mại để hình thành cho quỹ này.
Cùng quan điểm, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu, nhấn mạnh việc tạo nguồn vốn bền vững, ưu đãi tài chính cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội bằng cách thành lập Quỹ tín dụng phát triển nhà ở xã hội với cơ chế quản lý phù hợp.