Thứ sáu, Tháng mười một 15News That Matters

Thường trực HĐND TP

Báo cáo tại buổi giám sát việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng đối với UBND TP.HCM của Thường trực HĐND TP.HCM vào ngày 11/10/2024, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết tính từ năm 2021 đến tháng 6/2024, tổng số vụ vi phạm hành chính về xây dựng, đất đai trên địa bàn thành phố là 2.674 vụ.

SỐ VỤ VI PHẠM GIẢM

Cụ thể, năm 2021 là 737 vụ, năm 2022 là 883, năm 2023 là 773 vụ và 6 tháng đầu năm 2024 là 281 vụ.

Trong đó, những vụ vi phạm bị xử phạt theo pháp luật xây dựng là 1.418 vụ, tổng số tiền xử phạt khoảng 34,6 tỷ đồng, đã thu trên 25 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 73%. Vi phạm bị xử phạt theo pháp Luật Đất đai là 1.256 vụ, trong đó 1.041 trường hợp chấp hành, tỷ lệ 83%.

Ông Khiết đánh giá sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU (Chỉ thị 23), tổng số công trình vi phạm trên địa bàn TP.HCM là 3.085 công trình (từ 15/6/2019 đến 30/6/2024), bình quân 1,7 vụ/ngày, tỷ lệ giảm 80,2% so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị 23 là 8,5 vụ/ngày.

Tuy nhiên, qua so sánh số liệu vi phạm trật tự xây dựng trong thời gian qua cho thấy số vụ vi phạm không phép có dấu hiệu tăng. Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu.

Cụ thể, do quy định của pháp luật khi áp dụng trong thực tiễn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, như: Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020); Nghị định số 166/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp cưỡng chế thi hành biện pháp phạt tiền; Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho rằng cần kịp thời khắc phục các tồn đọng nhằm giải quyết nhu cầu của người dân về tách thửa, hợp thửa. Ảnh: PA. 

Bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng chưa đồng bộ đã tạo ra bất cập, vướng mắc trong triển khai công tác quy hoạch và xây dựng…

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục hoàn thiện tiếp các quy định liên quan pháp luật. Đồng thời, có giải pháp giúp người dân tiếp cận thông tin, đặc biệt là thông tin liên quan cấp phép xây dựng, các thủ tục về đất đai để hạn chế tối đa người dân vi phạm trật tự xây dựng. Bên cạnh đó, những công trình, hồ sơ đang tồn tại vướng mắc thành phố sẽ tập trung tháo gỡ.

CẦN TẬP TRUNG THÁO GỠ CÁC VƯỚNG MẮC

Theo Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ, UBND thành phố cần tập trung rà soát, chỉ đạo tháo gỡ cũng như kiến nghị bộ, ngành, Chính phủ nhiều nội dung.

Cụ thể là công tác quy hoạch đất đai; quản lý cấp phép xây dựng; quản lý, phối hợp kiểm tra trật tự xây dựng, tổ chức thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính…

UBND TP.HCM nên khẩn trương ban hành quy định cụ thể về điều kiện, diện tích tối thiểu được tách thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn, thay thế Quyết định 60/2017.

Bà Lệ cho rằng việc khiến người dân bức xúc là những khó khăn trong chuyển mục đích sử dụng đất. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến xây dựng không phép trên đất nông nghiệp. 

Ngoài phân lô, tách thửa kinh doanh thì nhu cầu chuyển đất nông nghiệp sang đất ở của người dân là có thật. Vì thế, văn bản thay thế Quyết định 60/2017 cần ban hành sớm để người dân có điều kiện tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất.

UBND TP.HCM chỉ đạo tiếp tục rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quy hoạch khu chế xuất – khu công nghiệp… bảo đảm đồng bộ, thống nhất.

“Kịp thời khắc phục các tồn đọng, hạn chế nhằm giải quyết nhu cầu của người dân về tách thửa, hợp thửa, cấp phép xây dựng”, bà Lệ nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch HĐND TP.HCM, cần thiết phải có giải pháp, chế tài đối với dự án chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định, tránh lãng phí nguồn lực đất đai. 

Về việc xử lý hồ sơ, công trình vi phạm tồn đọng kéo dài, Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị UBND TP.HCM thành lập tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho địa phương, người dân. Phải tạo chuyển biến trong giải quyết và khắc phục những sai phạm, hạn chế bằng thể chế, chính sách…

UBND TP.HCM nên sớm ban hành quyết định thay thế Quyết định 56/2021 về quy chế quản lý kiến trúc để tháo gỡ vướng mắc về xây dựng tại các khu vực quy hoạch đất dân cư xây dựng mới và đất sử dụng hỗn hợp có chức năng ở.

Tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn về khoảng lùi xây dựng nhà ở, mái che thang, cách xác định mật độ xây dựng; thành lập tổ công tác để khảo sát, nghiên cứu giải pháp bảo tồn biệt thự cũ…

Source