Thứ năm, Tháng mười một 14News That Matters

Thị trường khách sạn phục hồi ngắn hạn

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng tích cực 9 tháng đầu năm 2024. Đa số các thị trường phục hồi hoàn toàn, thậm chí một số thị trường còn tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019.

HÀ NỘI: CÔNG SUẤT PHÒNG TĂNG

Theo số liệu công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 12,7 triệu lượt người, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.

Hàn Quốc tiếp tục là thị trường khách đến lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 với 3,3 triệu lượt khách, chiếm 26,5%. Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 2,7 triệu lượt khách, chiếm 21,3%. Riêng 02 thị trường này đóng góp 47,8% tổng số khách quốc tế đến trong 9 tháng qua.

Tiếp theo là Đài Loan 954.000 lượt khách, Mỹ 579.000 lượt khách, Nhật Bản 529.000 lượt khách, Malaysia 357.000 lượt khách.

Tại 02 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm 2024, lượng khách du lịch tăng đã giúp cho hoạt động kinh doanh khách sạn có cải thiện.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) đạt 4,58 triệu lượt. Trong đó, khách quốc tế 3,15 triệu lượt, khách nội địa 1,4 triệu lượt.

Nhận định thị trường khách sạn Hà Nội, ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam, cho biết trong quý 3/2024, hoạt động kinh doanh khách sạn tại Hà Nội ít biến động với 67 dự án khách sạn cung cấp 11.120 phòng.

Trong quý 3/2024, công suất cho thuê phòng đạt 67%, giữ ổn định theo quý và tăng 6 điểm % theo năm.

Giá thuê trung bình giảm 2% theo quý. Trong khi giá thuê trung bình các dự án 5 sao giảm 2% theo quý và 1% theo năm, khách sạn 4 sao có giá trung bình tăng 2% theo quý và 1% theo năm.

Nguồn cung khách sạn 5 sao tăng 8% theo năm, trong khi đó, nguồn cung khách sạn 4 sao giảm 7% theo năm, do dự án Movenpick Living West thay đổi thương hiệu từ Eastin Hotel & Residences, được chuyển từ 4 sao lên 5 sao. Nguồn cung khách sạn 3 sao giảm 5% theo năm do khách sạn A25 ASEAN và Minh Cường không còn được xếp hạng.  

Năm 2024, 68 dự án mới sẽ cung cấp nguồn cung 12.115 phòng khách sạn. Trong đó, 01 dự án khách sạn 5 sao dự kiến đi vào hoạt động, cung cấp 207 phòng.

Trong năm 2025-2026, nguồn cung mới dự kiến có 3.035 phòng từ 12 dự án với các dự án 5 sao chiếm 77% nguồn cung và các dự án 4 sao cung cấp 23% nguồn cung.  

Khu vực nội thành sẽ có 41% nguồn cung mới với 5.027 phòng từ 22 dự án. Các đơn vị vận hành nội địa sẽ quản lý 34% số phòng mới, trong khi các đơn vị vận hành quốc tế quản lý 66%. Các đơn vị vận hành quốc tế bao gồm Hilton, Fusion, Accor, và Four Seasons. 

Theo ông Troy Griffiths, hiệu suất khách sạn quý 3/2024 tại Hà Nôi dù kém sôi động, tuy nhiên, dự đoán sẽ có sự phục hồi ngắn hạn.

TP.HCM: GIÁ PHÒNG TĂNG NHẸ

Tại TP.HCM, Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam, cho rằng du lịch tạo đà cho sự tăng trưởng hoạt động kinh doanh khách sạn.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, TP.HCM đã đón hơn 4 triệu lượt khách quốc tế, tăng 12% theo năm, khách nội địa đạt gần 27,4 triệu lượt khách, tăng 1% theo năm. Điều này thúc đẩy tình hình hoạt động của khách sạn khi giá phòng trung bình tăng 2% theo năm, đạt 02 triệu đồng/phòng/đêm.

Nhờ đó, công suất phòng tăng 01 điểm phần trăm theo quý và 03 điểm phần trăm theo năm, đạt 61% nhờ lượng khách nội địa tăng 16% và sự ổn định của lượng khách quốc tế.

Trong quý 3/2024, trên địa bàn TP.HCM không có dự án khách sạn mới, trong khi có 01 khách sạn 4 sao đóng cửa đã khiến nguồn cung giảm 1% theo quý. Tuy nhiên, nguồn cung tăng 5% theo năm đạt 16.443 phòng từ 115 khách sạn do sự mở cửa trở lại của 9 dự án 3 và 4 sao sau khi hoàn tất cải tạo cùng ba dự án 4 và 5 sao mới trong 09 tháng đầu năm nay.

Các thương hiệu quốc tế phát triển tốt với sự tham gia của Hilton Saigon, cung cấp 228 phòng 5 sao. Trong qúy 4/2024, khách sạn Indigo Saigon The City dự kiến là dự án mới duy nhất khai trương với 150 phòng năm sao.

Dự báo triển vọng nguồn cung khách sạn tại TP.HCM, Savills Việt Nam cho rằng đến năm 2027, nguồn cung tương lai khá khan hiếm, chỉ có 03 dự án mới dự kiến tham gia thị trường. Tất cả các dự án đều nằm tại quận 1 và dự kiến được quản lý bởi các thương hiệu quốc tế.

Mục tiêu cả năm 2024, ngành du lịch Việt Nam sẽ đón 18 triệu lượt khách quốc tế. Theo đó, trong 3 tháng cuối năm 2024 phải đạt gần 5,3 triệu lượt, bình quân hơn 1,76 triệu lượt khách/tháng. Nhiều chương trình kích cầu du lịch được lên kế hoạch.

Tại Hà Nội, với mục tiêu thu hút khách du lịch trong mùa thu và Lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng thủ đô Hà Nội, cũng như hưởng ứng chương trình thúc đẩy du lịch nổi địa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các khách sạn 5 sao tại Hà Nội đã triển khai các chương trình giảm giá và các gói du lịch khuyến mãi. Khách sạn JW. Marriott giảm giá thuê trung bình 13%, InterContinental Landmark giảm 12% và Melia Hà Nội, Pullman Hà Nội, Sofitel Metropole Hà Nội, Apricot, Movenpick Living West giảm 10%.  

Tại TP.HCM, để thúc đẩy tình hình hoạt động của khách sạn trong quý 4/2024 tăng trưởng hơn, Sở Du lịch của thành phố đã lên kế hoạch triển khai chương trình kích cầu du lịch nhằm đạt được mục tiêu đón 06 triệu lượt khách quốc tế và 38 triệu lượt khách nội địa vào trong năm 2024.

Tuy nhiên, ngành du lịch, cũng như hoạt động kinh doanh khách sạn dường như đang bị thách thức bởi các biến động kinh tế chính trị quốc tế, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu.

Source