Theo thống kê năm 2023, với quy mô dân số xấp xỉ 9,5 triệu người, TP.HCM được xác định là đại đô thị (megacity) lớn nhất cả nước và là nơi có thị trường bất động sản phát triển rất mạnh, đa dạng.
Do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, các khu đô thị càng bức bối, chật chội thì lối sống gần gũi thiên nhiên ngày càng được đề cao. Những khu dân cư xanh với không gian xanh, tiện ích xanh và lối sống xanh đang được người dân ưa chuộng, tìm đến an cư. Đặc biệt, khi các điều kiện kinh tế, tài chính cơ bản đáp ứng các nhu cầu cuộc sống, kinh tế phát triển hơn thì người dân luôn có xu hướng tìm đến một môi trường sống tốt hơn và thân thiện, gần gũi thiên nhiên.
Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra không gian sống xanh mát, cùng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường giúp gia tăng giá trị sức khỏe, tuổi thọ, chỉ số hạnh phúc của cộng đồng cư dân.
Đề cao sự cần thiết của việc tạo không gian riêng tư thoải mái trong đại đô thị đông đúc và cuộc sống thời kỹ thuật số tiềm ẩn nguy cơ bị soi mói, lợi dụng, Kiến trúc sư Lý Th Dân, Phó phòng Quản lý Quy hoạch khu vực 2, Sở Quy hoạch– Kiến trúc TP.HCM cho biết trong quản lý quy hoạch, TP.HCM chú trọng tăng chất lượng nhà ở tại các khu vực nằm xa các trung tâm dịch vụ đô thị, đồng thời giảm áp lực dân số cho khu trung tâm.
Đi đầu trong phát triển bất động sản đô thị xanh của TP.HCM phải kế đến là khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Nam Sài Gòn. Ví dụ, trong khi diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng chung của TP.HCM chưa đến 1 m2/người thì tỷ lệ này ở Phú Mỹ Hưng là 8,9 m2/người. Ngay khi quy hoạch khu đô thị rộng 433 ha này, phần đất phát triển nhà ở được phân bổ chỉ dành 140 ha, khoảng 15 ha đất dành cho thương mại, dịch vụ; còn lại là phát triển công trình hạ tầng, kỹ thuật và các không gian xanh…
Ở khu Nam Sài Gòn, hiện đang tiếp tục có những bước đột phá về hạ tầng, nhiều dự án lớn đang được triển khai trong khi các hướng quy hoạch cũng tạo nên tầm nhìn lạc quan.
“Siêu” dự án cảng trung chuyển biển Cần Giờ đang được xúc tiến đã tạo nên bước đột phá về hạ tầng. Hàng loạt dự án hạ tầng, đô thị “ăn theo” cảng biển Cần Giờ (cảng được định hướng phát triển xanh, cảng xanh) đang tu hút mạnh không chỉ nhà đầu tư, doanh nghiệp mà cả người dân TP.HCM và khu vực lân cận.
Đơn cử, trong số 10 khu đô thị tương lai đã được Ủy ban nhân dân TP.HCM công bố thì vùng Nam Sài Gòn có đến 4 khu đô thị, gồm: khu đô thị Nam TP.HCM, khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, khu đô thị Phước Kiển- Nhơn Đức và khu đô thị mới Sing- Việt. Tất cả các khu này đều được định hướng phát triển xanh, môi trường sống thân thiện thiên nhiên. Tại đây có lợi thế quỹ đất rộng, nhiều mảng xanh và hệ thống kênh rạch tạo nên đặc trưng cho cảnh quan thiên nhiên cùng nhiều lợi ích về sức khỏe cho cư dân.
Tuyến kênh “chết” Nhiêu Lộc- Thị Nghè đã được hồi sinh là minh chứng cho nỗ lực và quyết tâm của TP.HCM trong việc xanh hóa kênh rạch, xanh hóa nền kinh tế, hướng đến sự thịnh vượng và phát triển bền vững.
Tăng trưởng xanh, phát triển xanh là chiến lược phát triển tương lai của Thành phố nhằm xanh hóa nền kinh tế, hướng đến sự thịnh vượng kinh tế, bền vững về môi trường, công bằng xã hội, thăng tiến các giá trị, góp phần vào mục tiêu giảm tăng nhiệt toàn cầu.
TP.HCM được xác định là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Theo kết quả nghiên cứu được công bố mới đây của Viện Môi trường- Tài nguyên thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, trung bình mỗi năm, tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố hơn 60 triệu tấn CO2. Có 3 nguồn thải chính là từ hoạt động công nghiệp, khoảng gần 20 triệu tấn CO2; giao thông vận tải với khoảng hơn 13 triệu tấn CO2; còn lại là các sinh hoạt và hoạt động khác.
Cùng với việc không ngừng làm xanh sạch môi trường, những chính sách tích cực và thiết thực của TP.HCM nhằm khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp thành phố chuyển đổi xanh sẽ từng bước đưa TP.HCM thành một địa chỉ xanh đúng nghĩa.
Đặc biệt, Quyết định số 5086/QĐ-UBND ngày 14/11/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016 – 2025, xác định quan điểm phát triển thị trường bất động sản gắn với mô hình tăng trưởng kinh tế Thành phố, chuyển dịch cơ cấu lao động, hội nhập quốc tế và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phù hợp quy luật phát triển.
Kết hợp với việc thực thi pháp luật về quy hoạch đô thị, xây dựng thành phố thông minh, tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, việc thị trường bất động sản của TP.HCM phát triển bền vững, đa dạng và sinh động dưới sự quản lý, hỗ trợ hiệu quả của cơ quan quản lý quy hoạch đô thị là mục tiêu quan trọng của Thành phố trong giai đoạn phát triển toàn diện 2020- 2030 và dài hạn.