Chủ Nhật, Tháng mười hai 22News That Matters

Chưa địa phương nào ban hành đầy đủ văn bản

Chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (có hiệu lực từ 1/8/2024) diễn ra chiều 8/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đã yêu cầu các địa phương làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm ban hành các quyết định theo thẩm quyền; mức độ ảnh hưởng ra sao đến phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, việc huy động nguồn lực đất đai, vận hành của thị trường bất động sản; việc thực hiện cơ chế, chính sách về nhà ở…

NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG CHƯA BAN HÀNH VĂN BẢN NÀO

Báo cáo tại Hội nghị về việc triển khai Luật Đất đai 2024, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết: trong một thời gian ngắn, với áp lực về thời gian rút ngắn 5 tháng so với kế hoạch ban đầu nhưng với sự chủ động, tích cực, quyết tâm cao, sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã tập trung mọi nguồn lực để khẩn trương xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; kịp thời ban hành và có hiệu lực đồng thời với Luật tạo sự thống nhất, đồng bộ và căn cứ pháp lý cho việc triển khai thi hành Luật Đất đai được thuận lợi, phát huy hiệu quả của các chính sách mới, tiến bộ mà Luật Đất đai đã đề ra.

Đối với nhiệm vụ xây dựng các văn bản thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, với 59 nội dung được Luật Đất đai năm 2024 và các Nghị định hướng dẫn thi hành giao quy định chi tiết, tất cả HĐND và UBND các tỉnh đều đã tập trung nguồn lực và bắt tay ngay vào việc xây dựng các văn bản.

Đến nay, đã có 50/63 tỉnh, thành phố đã ban hành một số văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Tuy nhiên, chưa có địa phương nào ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Một số địa phương chưa ban hành văn bản nào để triển khai thực hiện.

Trong 50/63 tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản thì chỉ có tỉnh Hải Dương ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật. Các địa phương còn lại nội dung ban hành chủ yếu liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư, quy định về hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, điều kiện tách thửa hợp thửa…

 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà:

Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có liên quan chặt chẽ, mật thiết đến việc triển khai các nhiệm vụ, dự án cụ thể phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Mục tiêu là tháo gỡ khó khăn, đề ra một số chủ trương, chính sách mới để tạo nguồn lực phát triển, trong đó có thị trường bất động sản, bảo đảm chế độ chính sách về nhà ở.

Có 13 tỉnh, thành phố chưa ban hành văn bản là: Cao Bằng, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đăk Nông, Tiền Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Phú Yên, Bình Phước và An Giang.

Còn về kết quả ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chia sẻ: Đối với các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, theo nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 Nghị định, 01 Quyết định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.

MỘT SỐ BỘ CHƯA BAN HÀNH HOẶC CHƯA SỬA ĐỔI CÁC VĂN BẢN

“Đối với văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của các bộ, ngành, Bộ Xây dựng đã ban hành 02 Thông tư và 02 Quyết định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa ban hành hoặc chưa sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 02 luật trên”, Thứ trưởng Sinh thông tin.

Đối với các văn bản hướng dẫn thi hành thuộc thẩm quyền của địa phương, thì theo báo cáo mới nhất của các tỉnh, hiện mới có 13 địa phương ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở, gồm: Lào Cai, Lai Châu, Bắc Ninh, Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Hải Dương, Đà Nẵng, Bình Định, Tây Ninh, Cà Mau;

50 địa phương chưa ban hành. Trong đó, 10 địa phương đã hoàn thiện việc xây dựng và đang trình UBND tỉnh xem xét, ban hành; 40 địa phương đang trong quá trinh xây dựng hoặc đang trình lấy ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp.

Nhận trách nhiệm trong việc chậm trễ ban hành các văn hướng dẫn triển khai thi hành các Luật, ông Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng bày tỏ: Đối với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức điều chỉnh chương trình phát triển nhà của tỉnh Cao Bằng đến năm 2030 và xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hiện nay chưa hình thành các khu công nghiệp, nhu cầu về nhà ở xã hội còn rất thấp, chưa thu hút được các nhà đầu tư quan tâm, các dự án trên địa bàn tỉnh còn ít.

Về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy định chi tiết về Luật Nhà ở, hiện nay có một số nội dung mới tỉnh Cao Bằng đang giao các Sở, ban ngành nghiên cứu để ban hành các văn bản hướng dẫn. Hiện UBND tỉnh đang dự thảo các Nghị quyết trình HĐND tỉnh. Do kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh bị ảnh hưởng của tình hình thiên tai, bão lũ nên bị lùi lại sang tháng 10.

“Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng và Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Cao Bằng nghiêm túc tiếp thu sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đồng thời sẽ báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh để tiến hành đẩy nhanh tiến độ các văn bản triển khai thi hành các Luật theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cho hay.

Trong khi đó, theo  ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, Quảng Nam chưa đạt yêu cầu, do quá trình xây dựng, lấy ý kiến, thẩm định của các sở, ngành, địa phương còn chậm. Hiện Quảng Nam đã lấy ý kiến và dự kiến trình kỳ họp HĐND tỉnh trong tháng 10 về chính sách bồi thường, tái định cư, chính sách hỗ trợ đất đai đồng bào dân tộc thiểu số dự kiến trình 20/10.

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm ban hành các quyết định theo thẩm quyền. Đồng thời, đề xuất rõ những khó khăn, vướng mắc cần Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng tháo gỡ, giải quyết; Các bộ, ngành, cơ quan phải có trách nhiệm chung tay hướng dẫn các địa phương tháo gỡ, giải quyết. Mục tiêu cuối cùng là tăng tốc để hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, để đáp ứng yêu cầu hết sức cấp bách, cần thiết của cuộc sống nhằm tháo gỡ khó khăn, đưa ra những chính sách tốt hơn.

Source