Huyện Cần Giuộc nằm ở phía Đông Nam tỉnh Long An và có hơn 70km tiếp giáp với các huyện: Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ của TP.HCM.
Với vị trí là cửa ngõ kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây Nam bộ, huyện Cần Giuộc có nhiều điều kiện để phát triển đô thị vệ tinh khi kết nối trực tiếp với TP.HCM qua hệ thống giao thông đường bộ, như: quốc lộ 50, đường tỉnh 826, 826C, 835B; giao thông thủy với sông Cần Giuộc kết nối sông Soài Rạp đổ ra biển.
KẾT NỐI VỚI TP.HCM TRIỂN KHAI NHIỀU DỰ ÁN
Một trong những “điểm nghẽn” lớn nhất khiến tốc độ phát triển đô thị ở các khu vực Long An chậm nhịp là do cơ sở hạ tầng giao thông kết nối chưa được đầu tư tương xứng.
Do đó, hiện nay, địa phương đang kết nối với TP.HCM triển khai nhiều dự án, như: cầu kết nối xã Mỹ Lộc với huyện Bình Chánh; cầu Rạch Dơi kết nối Long Hậu với huyện Nhà Bè; đường dẫn bến phà Cần Giuộc – Cần Giờ với huyện Cần Giờ.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Long An, tỉnh đã bắt đầu triển khai đồ án quy hoạch chung đô thị Cần Giuộc, tỷ lệ 1/10.000 đến năm 2045.
Phạm vi quy hoạch có tổng diện tích hơn 21.510 ha, gồm toàn bộ 14 xã và 01 thị trấn Cần Giuộc.
Mục tiêu quy hoạch chung đến năm 2030 sẽ phát triển đô thị Cần Giuộc đạt tiêu chí đô thị loại 3. Trở thành trung tâm động lực kinh tế phía Đông Nam của tỉnh Long An. Có thể khai thác thế mạnh trong liên kết vùng khu vực tiếp giáp TP.HCM, ĐBSCL và vùng phụ cận trong tỉnh Long An. Hướng đến cơ sở hạ tầng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo định hướng không gian tổng thể, Cần Giuộc sẽ phát triển đô thị gắn với Cảng quốc tế Long An, có vai trò hỗ trợ, giảm áp lực gia tăng dân số tại TP.HCM.
Cần Giuộc sẽ là điểm kết nối các đô thị trong hệ thống đô thị tỉnh và phụ cận. Bao gồm các đô thị Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ (TP.HCM) và đô thị Bến Lức, Cần Đước (Long An).
Đây cũng là vùng động lực để phát triển kinh tế – xã hội, trung tâm công nghiệp, đô thị, thương mại dịch vụ, nông nghiệp kỹ thuật cao của Long An. Trong đó, đô thị dịch vụ – đô thị công nghiệp cảng – nông nghiệp công nghệ cao đóng vai trò chủ đạo.
Dân số đô thị quy hoạch đến năm 2030 có khoảng 380.000 người, đến năm 2045 có khoảng 500.000 người.
Về đất đai, đến năm 2030 có khoảng 11.000 – 12.500 ha đất xây dựng đô thị và đến năm 2045 khoảng 14.000 – 14.500 ha.
Nơi đây cũng sẽ trở thành đầu mối giao thông đường thủy và đường bộ, có khả năng lưu thông vận tải hàng hóa cao và thuận tiện kết nối giữa vùng ĐBSCL và vùng Đông Nam Bộ. Có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng tại cửa ngõ phía đông nam của tỉnh Long An.
Cần Giuộc cũng sẽ được phát triển để trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế, cửa ngõ giao lưu thương mại, lấy khu Cảng quốc tế Long An, khu kinh tế ven biển Long An, hệ thống giao thông vành đai là động lực tăng trưởng mới.
Từ đó, ưu tiên phát triển hệ thống công nghiệp đa ngành, cảng và hậu cần cảng, logistics, du lịch, dịch vụ, thương mại và đô thị gắn với bảo vệ môi trường…
Định hướng khu nội thị gồm: thị trấn Cần Giuộc và 08 xã Long Hậu, Phước Lại, Long An, Phước Vĩnh Tây, Phước Vĩnh Đông, Tân Tập, Đông Thạnh, Long Phụng. Chiếm 72,1% diện tích tự nhiên. Các xã thuộc khu vực nội thị được định hướng lên phường.
Khu vực ngoại thị gồm: các xã Phước Lý, Long Thượng, Mỹ Lộc, Phước Hậu, Phước Lâm, Thuận Thành. Trong đó, định hướng gộp địa giới hành chính xã Mỹ Lộc và Phước Hậu, gộp xã Phước Lâm và Thuận Thành. Chiếm 27,9% diện tích tự nhiên.
ĐẦU TƯ HẠ TẦNG GIAO THÔNG
Trong quy hoạch, Cần Giuộc cũng là một trong số địa phương được tỉnh Long An chọn để xây dựng 10 trung tâm logistics quy mô lớn nhằm góp phần đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa tỉnh Long An với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, Cần Giuộc cũng sẽ tập trung phát triển các trung tâm thương mại, chợ quy mô lớn tại trung tâm vùng, các tiểu vùng và khu vực cửa khẩu; tập trung hình thành các trung tâm thương mại đa năng, phức hợp và tổng hợp chất lượng cao.
Về Cảng quốc tế Long An nằm trên địa bàn huyện Cần Giuộc, có diện tích 147 ha. Dự án này nằm trong dự án tổng thể gần 2.000 ha gồm cụm cảng quốc tế Long An, Khu công nghiệp Đông Nam Á Long An, Trung tâm dịch vụ logistics, khu đô thị cảng quốc tế Long An.
Hiện nay, cảng Long An đã được đầu tư với quy mô 07 cầu cảng. Trong những năm tới sẽ được mở rộng lên 10 cầu cảng, bên cạnh việc luân chuyển hàng hóa, cảng này cũng là nơi tiếp đón tàu khách du lịch quy mô lớn trong nước và quốc tế.
Từ nay đến 2030, tỉnh Long An sẽ cải tạo, nâng cấp 53 tuyến đường tỉnh hiện hữu và xây mới 29 tuyến đường tỉnh. Trong đó, ưu tiên nâng cấp, xây dựng các tuyến đường có đi qua địa bàn Cần Giuộc như Đường tỉnh 827E, đường Tân Lập – Long Hậu.
Về đường sắt đô thị, tỉnh Long An sẽ xây dựng mới 02 tuyến đường sắt đô thị phục vụ kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh và phục vụ phát triển du lịch là tuyến Hưng Nhơn – Tân An và tuyến bến xe Cần Giuộc mới – Cần Đước…