Tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng ngày 15/6/2024, Thủ tướng Chính phủ Pham Minh Chính đã có ý kiến chỉ đạo rất rõ liên quan đến việc sử dụng cầu cạn đối với các dự án cao tốc. Đó là: “Tăng tỷ lệ lựa chọn phương án sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường như vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Ý kiến chỉ đạo trên đây đã được tường thuật nguyên văn trên các báo nói và báo điện tử ngay ngày hôm đó.
Ngày 26 tháng 8 năm 2024, Chỉ thị 28/CT-TTg về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng được ban hành, người ký là một Phó Thủ tướng.
Liên quan đến ý kiến chỉ đạo trên đây của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị có những đoạn sau đây:
(A) Trong phần Nhiệm vụ và giải pháp:
“Nghiên cứu tăng tỷ lệ lựa chọn phương án sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu có chiều sâu lớn và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường như vùng đồng bằng sông Cửu Long”.
(B) Trong phần Tổ chức thực hiện, trên nội dụng có liên quan,
* Chỉ thị giao cho Bộ Xây dựng “đ) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn (…)”;
* Chỉ thị không giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm vụ đánh giá tác động môi trường của các Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi xây dựng các đường cao tốc, đăc biệt trong vấn đề thoát lũ.
* Chỉ thị giao cho Bộ Giao thông vận tải 3 nhiệm vụ trong đó:
“a) Nghiên cứu tăng tỷ lệ lựa chọn phương án cầu cạn bê tông cốt thép ngay từ khâu thiết kế cho các tuyến đường cao tốc đầu tư xây dựng từ nay đến năm 2030 và các năm tiếp theo ở những địa bàn phù hợp, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu có chiều sâu lớn và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường như vùng đồng bằng sông Cửu Long bảo đảm kinh tế – kỹ thuật theo thời gian sử dụng và tuổi thọ công trình”.
* Chỉ thị giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hai nhiệm vụ nhưng không giao nhiệm vụ phối hợp vói Bộ Giao thông vận tải trong xây dựng các đoạn cầu cạn như dự báo, theo dõi các thiệt hại có thể có, đến sản xuất nông nghiệp và sinh kế của người dân hai bên cao tốc do ngập lũ, do dậy phèn, do nhiễm mặn, hậu quả của việc sử dụng cát biển để xây dựng cao tốc xây dựng trên mặt đất.
Từ những trích dẫn và so sánh trên đây, tác giả có những nhận xét ban đầu sau đây:
(1) Chỉ thị 28 được ban hành 02 tháng 11 ngày sau khi Thủ thướng Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo rất cụ thể và rõ ràng. Khoảng thời gian này là dài dối chiếu với thời hạn hoàn thành và đưa vào sử dụng hai đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, và nhất là trong bối cảnh việc xây dựng cao tốc bị chậm nhiều so với kế hoạch. Việc chậm ban hành có thể chấp nhận nếu bù lại nó giúp tăng tốc việc hoàn thành. Thực tế như thế nào?
(2) Trong văn bản của Chỉ thị có những cụm từ không có trong ý chỉ đạo của TTCP, nhưng mang nhiều hàm ý và hệ lụy.
(a) Trước tiên cụm từ “nghiên cứu” được đưa vào, phải chăng hàm ý là việc tăng tỷ lệ lựa chọn phương án sử dụng cầu cạn theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng là chưa sẵn sàng, còn cần được nghiên cứu, với hệ lụy là hai đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng vẫn sẽ không có đoạn cầu cạn nào.
(b) Đoạn thêm vào “từ nay đến năm 2030 và các năm tiếp theo” xác nhận việc nghiên cứu là cho các cao tốc sẽ xây dựng trong tương lai.
(c) Cụm từ “có chiều sâu lớn” được thêm vào sau vùng đất yếu. Thế nào là có chiều sâu lớn? cụ thể lớn là bao nhiêu? Một khái niệm không xác định trong một chỉ thị của Thủ tướng là trái với nguyên tắc xây dựng văn bản pháp quy. Hơn thế nó mở ngõ cho những suy diễn khác nhau mà hệ quả là sẽ làm chậm việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
(3) Phần việc mà Chỉ thị 28 giao cho Bộ Giao thông vận tải, do đó về cơ bản không khác nội dung công văn 11285/BGTVT-CQLXD ngày 5-10-2023, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, ở chỗ Bộ GTVT hứa sẽ nghiên cứu, trước mắt không điều chỉnh việc xây dựng hai cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng ngay trong giai đoạn này mặc dù các chuyên gia, các nhà khoa học cảnh báo nguy cơ sa lầy và chỉ ra có thể làm ngay một số đoạn cao tốc trên cầu cạn, bởi lẽ một khi đã xây trên mặt đất, nơi đáng lý ra phải xây trên cầu cạn thì không thể “tháo ra làm lại” được.
(4) Trong các công văn của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ trả lời các vấn đề tác giả nêu lên, Thủ tướng luôn yêu cầu có sự chủ trì và sự phối hợp giữa các bộ có liên quan[3]. Mặc dù vậy, sự chủ trì và phối hợp vẫn chưa thực hiện được. Nay trong phần Tổ chức thực hiện, yêu cầu này lại không hề được đề cập!
Bốn nhận xét trên đây khiến tác giả, và những ai quan tâm, thực sự băn khoăn về việc triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cách đây đã hơn 2 tháng 18 ngày, về thời gian hoàn thành cũng như về chất lượng của các cao tốc ở Tây Nam sông Hậu mà người dân đang rất mong đợi, thông suốt và lâu bền.
—-
(*) Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học kỹ thuật nhà nước, Chủ nhiệm Chương trình khoa học cấp nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp Đồng bằng sông Cửu Long (1983-1990), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc Hội, Đại biểu Quốc Hội khóa IX, X, XI.