Thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy lũy kế 8 tháng của năm 2024, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.335,6 nghìn tỷ đồng, bằng 78,5% dự toán và tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2023.
THU NGÂN SÁCH TĂNG 17,8%
Tính riêng tháng 8/2024, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 101,3 nghìn tỷ đồng, bằng 6% dự toán và bằng 57,5% (giảm 75 nghìn tỷ đồng) mức thu bình quân của 7 tháng đầu năm (176,3 nghìn tỷ đồng/tháng).
Trong đó, thu nội địa ước đạt 81,3 nghìn tỷ đồng, bằng 5,6% dự toán, bằng 54,9% (giảm 66,7 nghìn tỷ đồng) mức thu bình quân của 7 tháng đầu năm (148 nghìn tỷ đồng/tháng). Thu từ dầu thô ước đạt 5 nghìn tỷ đồng, bằng 10,9% dự toán, bằng 101,9% mức thu bình quân tháng của 7 tháng đầu năm (4,9 nghìn tỷ đồng/tháng).
Lũy kế 8 tháng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.335,6 nghìn tỷ đồng, bằng 78,5% dự toán, tăng 17,8% so cùng kỳ năm 2023, nếu không kể yếu tố chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất thì tăng 12,4% so cùng kỳ.
Trong đó, thu nội địa 8 tháng ước đạt 1.117,2 nghìn tỷ đồng, bằng 77,3% dự toán, tăng 18,9% so cùng kỳ năm 2023. Nếu không kể yếu tố chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất thì tăng 11,6% so cùng kỳ.
Thu từ dầu thô ước đạt khoảng 39,4 nghìn tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 178,7 nghìn tỷ đồng, bằng 87,6% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2023, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 270,2 nghìn tỷ đồng, bằng 72% dự toán, tăng 11,5% so với cùng kỳ, hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 91,4 nghìn tỷ đồng, bằng 53,5% dự toán.
KHẢ QUAN THU T HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH
Đáng chú ý, nhiều khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh đều tăng so với cùng kỳ. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp (chiếm khoảng 50% tổng số thu từ khu vực sản xuất kinh doanh) ước đạt 88,2% dự toán, tăng 15% so cùng kỳ do các doanh nghiệp tạm nộp 4/5 kỳ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo Bộ Tài chính, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh (chiếm 50,9% dự toán tổng số thu nội địa) ước đạt 75,6% dự toán) tăng 10,7% so cùng kỳ. Nếu không kể yếu tố chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế thì bằng 102,7% số thu cùng kỳ.
Thuế giá trị gia tăng ước đạt 69,9% dự toán, tăng 17,3% so cùng kỳ; thuế tiêu thụ đặc biệt ước đạt 63,7% dự toán, giảm 4,9% so cùng kỳ.
Bên cạnh đó, thu thuế thu nhập cá nhân ước đạt 81,3% dự toán, tăng 16,8% so cùng kỳ, chủ yếu do tăng thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản và chuyển nhượng chứng khoán.
Một số khoản thu có tiến độ thu đạt khá (trên 70% dự toán) như: thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 71,8% dự toán, tăng 11,9%; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ước đạt 202,6% dự toán; thu khác ngân sách đạt 96,4% dự toán.
Cũng theo Bộ Tài chính, trong số thu nội địa 8 tháng đầu năm 2024, thu tiền sử dụng đất ước đạt 127,3 nghìn tỷ đồng. Mặc dù mới đạt 56,1% dự toán song tăng 93,6% so với cùng kỳ do một số địa phương tổ chức công tác đấu giá đất, giao đất cho các dự án từ cuối năm 2023 và phát sinh số nộp tiền sử dụng đất đầu năm 2024.
Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết ước đạt 35,3 nghìn tỷ đồng, bằng 82,1% dự toán, tăng 11,8% so cùng kỳ.
Thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhận sau thuế, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước ước đạt 84,5 nghìn tỷ đồng, bằng 99% dự toán, tăng 0,7% so cùng kỳ, chủ yếu nhờ tăng thu chênh lệch thu chi Ngân hàng Nhà nước.
Thu hồi vốn ngân sách nhà nước đầu tư tại các tổ chức kinh tế ước đạt 17,7 nghìn tỷ đồng, bằng 442,8% dự toán do tăng thu nộp ngân sách địa phương các khoản cổ phần hóa các doanh nghiệp của địa phương từ các năm trước.
Các khoản thu nội địa còn lại ước đạt 852,3 nghìn tỷ đồng, bằng 78,5% dự toán, tăng 13,5% so cùng kỳ.
Về số thu trên địa bàn, Bộ Tài chính cho biết ước tính có 30/63 địa phương thực hiện thu nội địa 8 tháng ước đạt trên 72% dự toán; 53/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ.
MỞ RỘNG CƠ SỞ THU MỚI, NGHIÊN CỨU THUẾ VỚI NHÀ ĐẤT
Đốc thúc thu ngân sách thời gian cuối năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 85/CĐ-TTg ngày 2/9/2024 về điều hành dự toán ngân sách nhà nước.
Công điện nêu rõ trong 8 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục được duy trì ổn định và thể hiện rõ sự phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
Thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm ước đạt 78,5% dự toán trong điều kiện thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và các khoản thu ngân sách khác.
Chi ngân sách nhà nước được điều hành chặt chẽ, tiết kiệm; cân đối ngân sách nhà nước được bảo đảm, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Tuy nhiên, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp còn khó khăn, áp lực lạm phát còn lớn, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp.
“Thu ngân sách nhà nước về tổng thể đạt tiến độ khá và có tăng trưởng so với cùng kỳ, song vẫn còn một số khoản thu có tiến độ thu đạt thấp, nhất là thu tiền sử dụng đất”, công điện nêu rõ.
Bên cạnh đó, qua kết quả giám sát của Quốc hội, kết luận của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và công tác quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm cho thấy việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính ở một số nơi còn chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật, gian lận, trốn thuế, quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công sai chế độ quy định, thất thoát, lãng phí tại một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.
Trên cơ sở đó, phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2024 vượt trên 10% dự toán Quốc hội giao, thu ngân sách nhà nước năm 2025 cao hơn khoảng 5% so với ước thực hiện năm 2024 để đảm bảo nguồn lực đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán, tăng chi tạo nguồn cải cách tiền lương và xử lý các nhiệm vụ đột xuất phát sinh.
Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ dự toán ngân sách năm 2024, lãnh đạo Chính phủ đề nghị các cơ quan, địa phương đồng bộ các giải pháp quản lý thu, chống thất thu ngân sách nhà nước.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao các đơn vị tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu ngân sách nhà nước, thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp quản lý thu, chống thất thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu phát sinh theo quy định.
“Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định thuế đối với nhà, đất; mở rộng và chống xói mòn cơ sở thuế, khai thác các nguồn thu còn dư địa, mở rộng cơ sở thu mới”, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu.
Cùng với đó, đẩy mạnh và hiệu quả hơn nữa chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý thu, nhất là thu các giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài, triển khai cổng dữ liệu thông tin về sàn thương mại điện tử và mở rộng triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng, nhất là dịch vụ ăn uống…
Tăng cường phòng, chống gian lận thương mại, chuyển giá, gian lận giá nhập khẩu và buôn lậu qua biên giới, nhất là các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, chuyển nhượng bất động sản.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy định về quản lý giá, thuế, phí, ổn định giá nguyên vật liệu, mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống của nhân dân.
Trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương không đạt dự toán, lãnh đạo Chính phủ đề nghị ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng phương án báo cáo hội đồng nhân dân giải pháp xử lý để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương như sau: (i) chủ động giữ lại 50% dự toán dự phòng ngân sách địa phương; (ii) cân đối các nguồn lực tại chỗ để chủ động bù đắp số giảm thu ngân sách địa phương (quỹ dự trữ tài chính, kết dư ngân sách…).
Sau khi sử dụng các nguồn lực của địa phương mà vẫn không đảm bảo bù đắp số giảm thu thì phải rà soát, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi. Trong đó cần chủ động cơ cấu lại chi đầu tư phát triển, nhất là trường hợp nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết biến động lớn.
Trong quá trình điều hành ngân sách, trường hợp xảy ra thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách các cấp, phải kịp thời báo cáo cấp trên để xem xét, xử lý theo quy định.