Theo Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, Hải Phòng được giao hoàn thành 33.500 căn từ nay đến năm 2030. Vì vậy, bằng việc chủ động triển khai các dự án, từ năm 2022 đến nay, Hải Phòng đã khởi công và đang xây dựng 9 dự án nhà ở xã hội với tổng số trên 15.000 căn. Đồng thời, trên địa bàn thành phố hiện có 21 dự án đã có chủ trương đầu tư, hoặc nhà đầu tư đang chuẩn bị khởi công xây dựng với quy mô 20.400 căn. Ngoài ra, Hải Phòng cũng định hướng, quy hoạch, bố trí 42 địa điểm với diện tích gần 500ha để thực hiện dự án nhà ở xã hội.
ÁCH TẮC Ở ĐƠN VỊ TRỰC TIẾP TRIỂN KHAI
Tuy nhiên, ông Tô Hùng, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Hải Phòng, Tổng giám đốc Recbook, cho biết khi triển khai vẫn xảy ra tình trạng “trên làm quyết liệt nhưng dưới lại tắc”. Các cấp chính quyền thành phố dù rất sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nhưng đến những đơn vị trực tiếp triển khai, như cấp xã thì lại “ách tắc”, một phần do chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, một phần do sợ trách nhiệm, không dám làm.
Cụ thể, thời gian qua, Hải Phòng đã chỉ đạo Ngân hàng nhà nước chi nhánh Hải Phòng, Ngân hàng chính sách xã hội tham gia hỗ trợ chủ đầu tư, người dân tiếp cận gói vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xác nhận cho người dân đăng ký mua nhà ở xã hội theo đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt, Nghị định 100/2024/N-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, có hiệu lực từ đầu tháng 8 quy định trong thời hạn 7 ngày, văn phòng hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai phải xác nhận thông tin của người đăng ký không sở hữu nhà và không có tên trong sổ đỏ tại địa phương, nơi có dự án nhà ở xã hội. Đồng thời, trong thời hạn 7 ngày, UBND cấp xã sẽ xác nhận điều kiện về thu nhập cho chủ đầu tư để đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Theo Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Hải Phòng, trên thực tế, dù người dân đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội nhưng khi đi làm thủ tục nhằm hoàn thiện hồ sơ, nhiều trường hợp lại gặp khó khăn khi không được văn phòng đăng ký đất đai xác nhận thực trạng nhà ở, không được UBND cấp xã xác nhận điều kiện về thu nhập với trường hợp lao động tự do, không ký hợp đồng lao động.
Lý do được đưa ra với văn phòng đăng ký đất đai là do chưa có hướng dẫn của Sở Tài nguyên và môi trường. Còn đối với UBND cấp xã, cán bộ quản lý cho biết chưa được hướng dẫn cụ thể về căn cứ nào để xác định mức thu nhập của các lao động tự do.
Một vấn đề nữa là, theo quy định hiện hành, ngân hàng chính sách Nhà nước sẽ tiếp nhận hồ sơ vay mua, thuê mua nhà ở xã hội khi có hợp đồng mua bán. Từ đó, dẫn đến tình trạng xong hợp đồng mua bán, tới ngân hàng chính sách vay thì nhận được câu trả lời “chưa có vốn do chưa được cấp từ nguồn”. Khi nào ngân hàng nhận được nguồn vốn cấp sang sẽ giải quyết cho các hồ sơ Ngân hàng Chính sách xã hội đang thụ lý. Còn cụ thể khi nào thì chưa biết?
LAN TỎA ĐIỂM SÁNG VỀ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI
“Những khó khăn này là tình trạng chung đang xảy ra tại nhiều địa phương có dự án nhà ở xã hội đang mở bán. Vì vậy, các cơ quan theo thẩm quyền cần nhanh chóng chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Đồng thời, khẩn trương tuyên truyền, tổ chức chương trình phổ biến kiến thức, tập huấn cho nhứng đơn vị trực tiếp triển khai”, ông Hùng kiến nghị.
Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cần lan tỏa các điểm sáng về phát triển nhà ở xã hội làm điển hình để rút ra bài học cho các địa phương khác. Lý giải nguyên nhân vì sao quy định, quy trình giống nhau nhưng có nơi làm được có nơi không làm được, để làm bài học giúp tăng hiệu quả cho Đề án 1 triệu căn nhà xã hội.
Dự báo về nguồn cung nhà ở xã hội nói chung vào thời gian tới, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng sẽ cải thiện từ những tháng đầu năm 2025 và giai đoạn cuối 2026, ước tính hoàn thành trên 200.000 căn. Tuy nhiên, Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội đến 2030 vẫn là thách thức lớn khi cần thời gian “ngấm” luật mới.
Ông Đính kiến nghị cần giám sát chặt chẽ, đảm bảo các cơ quan liên quan chuẩn bị đầy đủ điều kiện thi hành hành lang pháp lý mới. Tiếp tục thúc đẩy, hoàn thiện dự án nhà ở xã hội đã khởi công, nhất là tại những thành phố có nhu cầu lớn; sớm thông qua gói tín dụng 140.000 tỷ đã điều chỉnh.
Mặt khác, UBND các tỉnh thành phố cần chủ động rà soát nhu cầu về nhà ở của người dân địa phương và rà soát, điều chỉnh quy hoạch để bố trí, quy hoạch bổ sung quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu. Đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu chính sách, tránh lợi dụng chính sách, tiêu cực; Nghiên cứu thêm cơ chế ưu đãi cho người lao động thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp và nhà đầu tư để phát triển thị trường nhà ở xã hội tại địa phương ổn định và bền vững.