Bộ Giao thông vận tải cho biết trước đó đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai với nội dung kiến nghị đề nghị thông tin tiến độ dự án xây dựng tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương nhằm bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, doanh nghiệp.
Theo Bộ Giao thông vận tải, tại Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương nối Đồng Nai và Lâm Đồng có quy mô 4 làn xe với tổng chiều dài khoảng 220 km bao gồm các đoạn (dự án thành phần): Dầu Giây – Tân Phú dài 60 km, Tân Phú – Bảo Lộc dài 67 km, Bảo Lộc – Liên Khương dài 74 km, Liên Khương – Prenn dài 19 km.
Đến nay, đoạn Liên Khương – Prenn đã đưa vào khai thác sử dụng; các đoạn còn lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong đó, đoạn Dầu Giây – Tân Phú đã phê duyệt dự án đầu tư, đang tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2026 và sẽ đưa vào khai thác vận hành từ năm 2027; các đoạn Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương đang được các cơ quan chức năng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi để làm cơ sở để phê duyệt dự án và triển khai các bước tiếp theo.
“Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và các cơ quan liên quan đẩy nhanh các thủ tục theo quy định pháp luật để khởi công tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, sớm hoàn thành đưa vào khai thác, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và doanh nghiệp”, công văn 8872/BGTVT cho biết.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 954/QĐ-BGTVT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú giai đoạn 1 theo phương thức PPP. Theo quyết định này, dự án có chiều dài 60,24 km với điểm đầu Km 0 tại khu vực nút giao quốc lộ 1, thuộc cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất), và điểm cuối Km 60+243,83 tại điểm cuối thuộc phạm vi nút giao với quốc lộ 20 nối với dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc (xã Phú Trung, huyện Tân Phú). Chiều dài dự án nằm trong địa phận tỉnh Đồng Nai.
Ở giai đoạn 1, đoạn cao tốc Dầu Giây – Tân Phú được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 100 (tức vận tốc 100 km/h), quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 17 m. Tại các vị trí xử lý nền đất yếu, nền đường đào, đắp cao, phạm vi nút giao liên thông, đoạn dừng xe khẩn cấp, công trình cầu trên đường cao tốc thiết kế mặt cắt ngang theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh với bề rộng nền đường 24,75 m. Dự án có tổng mức đầu tư gần 8.981 tỷ đồng. Bao gồm: Vốn do nhà đầu tư huy động khoảng hơn 7.681,539 tỷ đồng; vốn nhà nước khoảng 1.300 tỷ đồng, vốn này thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021.
Cuối tháng 02/2024, Ban quản lý Dự án Giao thông tỉnh Lâm Đồng (Ban quản lý) cho biết Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã giao đơn vị này chịu trách nhiệm là chủ đầu tư hai đoạn cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương (có tổng chiều dài 140 km) thuộc công trình đường bộ cao tốc Dầu Giây – Liên Khương. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng trước đó đã trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án và Cục Đường cao tốc Việt Nam đã có văn bản thông báo kết quả thẩm định hồ sơ. Sau đó, tỉnh đã giao Ban quản lý khẩn trương hoàn thiện, bổ sung hồ sơ báo cáo Cục Đường cao tốc Việt Nam về việc nghiên cứu khả thi hai dự án thành phần này.
Tổng mức dự tư dự kiến của đoạn cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc khoảng 17.200 tỷ đồng; trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư vào khoảng 2.821 tỷ đồng, được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, vốn ngân sách nhà nước khoảng 6.500 tỷ đồng, vốn huy động khoảng 10.700 tỷ đồng. Ban này cũng cho biết, hai dự án thành phần nói trên dự kiến sẽ lần lượt được khởi công xây dựng vào quý 3 và quý 4 năm 2024.