Theo Báo cáo Giám sát của HĐND TP. Đà Nẵng, từ năm 2016 đến 2023 thành phố đã phê duyệt, điều chỉnh 1.021 đồ án quy hoạch chi tiết, trong đó đã hoàn thành 559 đồ án, tiếp tục triển khai 449 đồ án, hủy 13 đồ án. Trong giai đoạn này có 216 quy hoạch chưa triển khai, 220 quy hoạch đang triển khai chưa hoàn thành.
Hiện đến thời điểm này, Đà Nẵng có 421 quy hoạch chậm triển khai sau nhiều năm quy hoạch; trong đó có 361 quy hoạch quá 5 năm phê duyệt chưa hoàn thành, 70 quy hoạch quá 8 năm chưa hoàn thành, gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống người dân trong vùng quy hoạch.
Theo đánh giá của Đoàn giám sát HĐND TP. Đà Nẵng, việc quy hoạch, quản lý quy hoạch trong giai đoạn này đã được thành phố tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt nhằm hướng đến xây dựng không gian đô thị văn minh, hiện đại, giúp Đà Nẵng có diện mạo, tầm vóc mới về không gian, chất lượng đô thị, góp phần tạo ra môi trường hấp dẫn cho nhà đầu tư, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội và bộ mặt văn minh đô thị thành phố.
Đặc biệt, giai đoạn từ 2021 đến nay Đà Nẵng đã chú trọng đến công tác rà soát, xử lý các đồ án quy hoạch chậm triển khai, cụ thể là ban hành một số văn bản để xử lý, khắc phục một phần các trường hợp ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân tại khu vực có các đồ án quy hoạch chậm triển khai.
Cũng theo Báo cáo giám sát cho biết sau các đợt thanh tra, kiểm toán, TP. Đà Nẵng đã kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch góp phần nâng cao chất lượng trong công tác quản lý về quy hoạch xây dựng. Tính từ đầu năm 2024 đến nay đã thành phố có thêm 6 đồ án quy hoạch phân khu được phê duyệt góp phần tạo điều kiện thuận lợi, làm cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng, lập quy hoạch chi tiết.
Khu đất 10.000 m2 có 4 mặt tiền trên đường Phạm Văn Đồng đảm bảo quy hoạch đã đấu giá thành công. Ảnh Ngô Anh Văn
Tuy nhiên, ngoài những kết quả rất đáng ghi nhận trong công tác quy hoạch của thành phố, Đoàn giám sát HĐND Đà Nẵng cũng chỉ ra những mặt hạn chế, nhất là việc xử lý đối với các đồ án quy hoạch chậm triển khai, ảnh hưởng tới quyền lợi cũng như đời sống sinh hoạt của người dân. Cụ thể, là kết quả xử lý các quy hoạch chi tiết chậm triển khai sau khi được rà soát chưa hiệu quả cao, nhiều quy hoạch đã được phê duyệt 8 năm vẫn chưa bố trí nguồn lực thực hiện nhưng vẫn chưa có phương án xử lý. Cụ thể như: Quy hoạch bãi đỗ xe ngầm tại khu vực công viên nút giao thông đường Trần Cao Vân-Đống Đa-Ông Ích Khiêm, Trung tâm giao lưu hữu nghị Việt-Nhật, Khu dân cư đầu tuyến đường Hoàng Văn Thái, Khu đô thị phía Tây Nam Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang…
Cũng theo Đoàn giám sát, nguyên nhân chủ yếu của mặt tồn tại đó là do yếu tố lịch sử trước đây trong việc phê duyệt sơ đồ ranh giới sử dụng đất và quản lý quy hoạch thông qua các quyết định phê duyệt ranh giới sử dụng đất là không phù hợp với qui định pháp luật. Các tồn tại, hạn chế trong quản lý chất lượng lập, điều chỉnh quy hoạch chi tiết chủ yếu trong giai đoạn trước khi thẩm quyền phê duyệt quy hoạch (trước năm 2021).
Ngoài ra, một số hạn chế khác như quy hoạch chi tiết không phù hợp với quy hoạch cấp trên; việc bố trí các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, điều kiện điều chỉnh quy hoạch…chưa phù hợp với qui định. Bên cạnh đó, chất lượng đồ án quy hoạch chưa được đảm bảo dẫn đến tỷ lệ điều chỉnh quy hoạch còn khá cao (592/1.132 quy hoạch, chiếm 52%). Có những đồ án quy hoạch điều chỉnh nhiều lần nên sau khi điều chỉnh làm giảm các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật như: Quy hoạch ranh giới giữa Cụm công nghiệp Hòa Hiệp Bắc và Khu công nghiệp Liên Chiểu trùng lắp. Cá biệt, quy hoạch Cụm công nghiệp Cẩm Lệ bất hợp lý về khớp nối giao thông, thoát nước…
Một nguyên nhân khác, đó là việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết nhưng chưa thực hiện lập chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công, nhất là các đồ án quy hoạch có khối lượng giải tỏa đền bù lớn nên không đảm bảo về nguồn lực, nhu cầu, tổ chức thực hiện dẫn đến quy hoạch chậm triển khai hoặc phải điều chỉnh nhiều lần. Việc quản lý quy hoạch, hậu kiểm chưa thực hiện kịp thời dẫn đến vướng mắc, bất cập trong quá trình xử lý, khắc phục tại một số dự án như: CocoBay, Godden Bay, Mường Thanh, chung cư F-Home…
Theo Đoàn giám sát, tiến độ phê duyệt các quy hoạch phân khu chưa đảm bảo kế hoạch đề ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc lập, phê duyệt, điều chỉnh, quản lý chất lượng các đồ án quy hoạch chi tiết giai đoạn từ năm 2021 đến nay.
Để khắc phục những tồn tại, Đoàn giám sát HĐND thành phố Đà Nẵng khuyến nghị thành phố cần rà soát, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ các quy hoạch không khả thi, chậm triển khai nhằm tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo quyền lợi của người dân về đất đai. Cụ thể, trong số 421 quy hoạch chậm triển khai cần phân loại từng trường hợp tương ứng với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, ngoài ngân sách, đã phê duyệt chủ trương đầu tư hay chưa, đã giải phóng mặt bằng hay chưa…để có phương án xử lý tiếp tục triển khai hay hủy bỏ.