Tại hội thảo “Vấn đề nhà ở cho công nhân lao động di cư – Thực trạng và giải pháp” do Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng tổ chức ngày 22/8, các chuyên gia nhận định nhà ở của người lao động, đặc biệt là công nhân di cư tại những khu công nghiệp còn hạn chế.
TỈ LỆ LAO ĐỘNG MUA ĐƯỢC NHÀ VẪN THẤP
Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy đến nay, tỉ lệ lao động trong các khu công nghiệp có thể mua, thuê được nhà vẫn thấp. Cụ thể, tính đến tháng 5/2023, trên cả nước có 398 khu công nghiệp với khoảng 7 triệu lao động. Trong đó, hơn 50% người lao động có nhu cầu về nhà ở, nhưng tỉ lệ nhà ở phục vụ công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất mới chỉ được đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu.
Xung quanh vấn đề này, TS. Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Công nhân và Công đoàn, chia sẻ qua số liệu khảo sát năm 2024 thì 53,9% người lao động di cư đang ở trong các phòng trọ loại nhà cấp 4, nhà dân kết hợp cho thuê, nhà lp tôn hoặc Fibro xi măng. Đối với nhà trọ dạng cấp 4, mặc dù đa phần đã được trang bị nhà vệ sinh khép kín nhưng diện tích sinh hoạt lại rất hạn chế.
Với diện tích sử dụng nhỏ chưa đến 30m2, thậm chí chỉ dưới 10m2, những ngôi nhà không có phòng riêng cho từng cá nhân, cũng như không có khu vực học tập riêng cho trẻ em, tất cả hoạt động sinh hoạt bao gồm nấu nướng, chăm sóc con cái, sinh hoạt gia đình và nghỉ ngơi, đều phải diễn ra trong một không gian duy nhất.
Theo ThS. Nguyễn Ngọc Anh, Ban quản lý Dự án thiết chế công đoàn, hiện nay, thực tế nguồn vốn để phục vụ chương trình phát triển nhà ở xã hội cho công nhân còn hạn hẹp, khó tiếp cận và chưa đáp ứng được nhu cầu. Về vấn đề miễn tiền sử dụng đất, người mua, thuê nhà ở, bản thân doanh nghiệp cũng không được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách này. Lợi nhuận 10% trong đầu tư nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn… Mặt khác, vấn đề quy hoạch xây dựng và phát triển dự án mới chỉ chú trọng đến công trình hạ tầng kỹ thuật. Trong cơ chế chính sách chưa có phân cấp quản lý và đầu tư…
Đặc biệt, đối với giá cả, qua tìm hiểu tại địa phương, có nơi giá nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thấp nhưng chất lượng chưa đảm bảo. Trong khi ở nơi khác, người lao động thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp lại khó tiếp cận vì giá vượt tầm với. Chính việc thiếu nhà ở là một trong những nguyên nhân khiến lao động không mặn mà ở lại thành phố.
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP VỀ QUY HOẠCH
Ông Nguyễn Ngọc Anh đánh giá để thúc đẩy đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động thuê, trước hết, cần nâng cao nhận thức cho hệ thống chính trị, doanh nghiệp, công nhân lao động về việc xây dựng nhà ở xã hội.
“Các thể chế, chính sách về nhà ở xã hội cần tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi phù hợp về đất đai, vốn đầu tư, về quy hoạch… Bên cạnh đó, chủ động và quyết liệt hơn nữa trong thực thi chính sách; phát huy vai trò của tổ chức công đoàn đối với hoạt động nghiên cứu, đề xuất mô hình mới về đầu tư, quản lý, vận hành… Đồng thời, thực hiện tốt việc công khai, minh bạch, chú trọng kiểm tra, giám sát việc xây dựng, cho thuê, mua nhà ở xã hội cho công nhân lao động”, đại diện Ban quản lý Dự án thiết chế công đoàn nhận định.
Cũng tại hội thảo, ThS.KTS. Lê Thị Thúy Hà, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đưa ra một số giải pháp thiết kế nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp.
Theo bà Thúy Hà, thực tế, các khu công nghiệp hiện hữu hiện nay nằm ở vị trí rất đa dạng, với nguyên tắc khu ở phải liên kết người công nhân với thiết chế xã hội xung quanh. Vì thế, cần có một số giải pháp quy hoạch.
Trong đó, về giải pháp khu công nhân gắn với đô thị, khu công nghiệp ngoại thành – xa đô thị, đề xuất tổ chức thành các đơn vị ở có thể dưới dạng chuyên biệt hoặc mở rộng. Với khu công nghiệp ở ven đô thị, đề xuất giải pháp bố trí khu ở cho công nhân đan xen trong các đơn vị ở khu đô thị mới.
Ngoài ra, đối với giải pháp khu ở công nhân gắn với khu công nghiệp, khu ở dạng tập trung, sẽ triển khai giải pháp là khu ở nằm trong một vùng đất có ranh giới được xác định; có thể áp dụng tại nhóm khu công nghiệp không đa dạng đối tượng lao động, xa điểm dân cư đô thị.
Còn khu ở dạng phân tán, giải pháp là chia thành nhiều nhóm nhỏ xung quanh khu công nghiệp, có thể áp dụng tại nhóm khu công nghiệp sạch – kỹ thuật cao, nhóm khu công nghiệp tổng hợp và dịch vụ gần các điểm dân cư đô thị.
Trong khi khu ở theo tuyến với giải pháp là khu ở được bố trí dọc theo tuyến đường giao thông đối xứng với khu công nghiệp; có thể áp dụng nhóm khu công nghiệp sạch – kỹ thuật, nhóm khu công nghiệp tổng hợp và dịch vụ nằm trên các tuyến giao thông nối liền với đô thị.
Các chuyên gia cho rằng đến thời điểm hiện tại, khi Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024 cùng với các văn bản hướng dẫn dưới luật, có thể nói chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại khu công nghiệp sẽ tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, giúp hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.