Tại cuộc họp nghe báo cáo về đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM (Đề án metro) theo kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị mới đây, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm đã báo cáo với Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi nội dung như trên.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, thời gian qua, Sở Giao thông vận tải cùng các ban ngành đã họp bàn, thống nhất đề xuất định hướng phát triển, xây dựng lộ trình, kế hoạch, hình thức đầu tư, phương án huy động nguồn vốn và các cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị trên địa bàn TP.HCM đến năm 2035, và các tuyến mới dự kiến bổ sung trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060.
Lộ trình cụ thể như sau:
– Đến năm 2035, TP.HCM xây dựng hoàn thành khoảng 183 km metro. Bao gồm các tuyến: Tuyến số 1 – 40,8 km; số 2 – 20,22/62,8 km; số 3 – 29,53/62,17 km; số 4 – 36,82/43,4 km; số 5 – 32,5/53,87 km; số 6 – 22,85/53,8 km.
– Đến năm 2045, xây dựng thêm khoảng 168,36 km nâng tổng chiều dài lên 351,081 km. Bao gồm: tuyến số 2 – 42,58 km; số 3 – 2,64 km; số 4 – 6,58 km; số 5 – 21,37 km; số 6 – 30,95 km; số 7 – 51,23 km.
– Đến năm 2060, xây dựng hoàn thành các tuyến số 8, 9, 10 nâng tổng chiều dài lên 510,02 km. Bao gồm: tuyến số 8 – 42,8 km; số 9 – 28,31 km; số 10 – 87,84 km. Dự kiến tổng mức đầu tư 824.495,704 tỷ đồng, tương đương khoảng 34,39 tỷ USD.
Góp ý cho đề án, hầu hết các ý kiến sở ngành và chuyên gia trong cuộc họp cho rằng cần làm rõ hình thức đầu tư, phương án nguồn vốn, huy động nguồn vốn cùng các cơ chế đột phá mới, chính sách đặc thù mới, cơ chế nào ngoài Nghị quyết 98 thì nên đề xuất cụ thể. Phương án phát triển theo mô hình TOD dọc metro cũng phải xác lập đưa vào đề án, cơ chế thu hồi đất, hoàn thiện những vấn đề chưa rõ; đặc biệt là nhóm cơ chế tài chính, cần phải xác định rõ để thực hiện đề án đạt mục tiêu cao nhất (TOD – Transit Oriented Development, được định nghĩa là một mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm, nhằm mục đích giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường).
Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá, Đề án metro là một nội dung mà Thành phố cụ thể hóa thực hiện Kết luận số 49 của Bộ Chính trị. Đây cũng là công cụ quan trọng để Thành phố tái cấu trúc đô thị, phát triển mô hình đô thị đa trung tâm, phân bố dân cư phù hợp các hoạt động kinh tế xã hội với “siêu đô thị” như TP.HCM. “Vì tính chất rất quan trọng như vậy nên Thành phố phải thực hiện đồng bộ các quy hoạch, đặc biệt phải cập nhật quy hoạch chung của Thành phố”, ông Mãi khẳng định.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM yêu cầu Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm và các thành viên tổ công tác cùng các sở ngành góp ý cụ thể bằng văn bản gửi về Sở Giao thông vận tải, chậm nhất đến chiều 13/5. Sở Giao thông vận tải tiếp thu cập nhật những ý kiến góp ý vào đề án, ngày 15/5/2024 sẽ trình Uỷ ban để Thành phố gửi Bộ Giao thông vận tải.
Báo cáo cuối kỳ Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, liên danh tư vấn Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia – Viện Quy hoạch Miền Nam – Công ty TNHH Không Gian Xanh – Công ty EnCity đề xuất mạng lưới metro ở T.HCM tăng từ 220 km lên gần 520 km. Theo đồ án mới này, metro có 6 tuyến hướng tâm – xuyên tâm, 2 tuyến vành đai và 2 tuyến kết nối liên khu vực.